Tiếng rao… lặng yên

“Đặc sản” trong nhịp sống ở TPHCM không thể bỏ quên những gánh, xe hàng rong cùng tiếng rao lảnh lót khắp các con đường, ngõ hẻm. Theo nhịp sống phát triển của đô thị, tiếng rao cũng có sự trợ giúp từ công nghệ, nhưng mỗi người bán mỗi miền quê, chất giọng rao qua loa vẫn có nét riêng của từng người.
Hàng rong đi cùng tiếng rao tạo thành một thanh âm quen thuộc của đường phố ở TPHCM (ảnh được chụp ở thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát trong cộng đồng). Ảnh: Khanh Trịnh
Hàng rong đi cùng tiếng rao tạo thành một thanh âm quen thuộc của đường phố ở TPHCM (ảnh được chụp ở thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát trong cộng đồng). Ảnh: Khanh Trịnh

Lẫn trong những ồn ào của tiếng xe cộ ở thành phố, tiếng rao “bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ”, “bánh chưng, bánh giò, chưng gai, bánh giò”, “hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt dữa, trứng cút lộn, bắp xào đê!”… cứ len lỏi khắp các con đường, ngõ hẻm. Chứa đựng trong một tiếng rao bánh mì, hột vịt lộn… là chắt chiu mưu sinh của một chị gái, bà mẹ hay ông bố nào đó tảo tần lo cho con cái những tháng ngày ăn học.

Xe đạp, xe đẩy hay gánh bộ cùng tiếng rao len lỏi sâu từng con hẻm, cứ vậy mà hàng rong với tiếng rao gắn chặt vào nhau, rồi trở thành một thanh âm không thể thiếu trong văn hóa đường phố.

Nói không bực mình vì tiếng rao hẳn cũng không phải. Những xe hàng rong đi vào các hẻm dân sinh, dừng lại bán thì tắt loa. Hôm nào đứng lại hơi lâu mà quên tắt thì thể nào cũng có một cô, bác trong xóm nhắc nhẹ: “Đứng đây bán rồi, tắt cái loa chút đi ông”, “Lát ra đầu hẻm rao tiếp, giờ tắt chút cho nó nghỉ mệt, buôn bán nói chuyện cho vui, cái loa rao lớn quá”… Vậy là cười khà khà hai bên, ai mua gì thì lựa, còn người bán nhanh tay cân rồi tính tiền.

Sáng tinh mơ hay quá nửa khuya tiếng rao vẫn cứ thế, đã có loa hỗ trợ người bán đỡ mất sức, chỉ khi nào hết pin hay trục trặc thì tiếng rao nghe như nghẹt mũi. Và dù có sự trợ giúp của loa, nhưng đâu đó vẫn là nỗi nhọc nhằn, tiếng rao lảnh lót đầu hẻm, nhỏ dần, nhỏ dần và tắt hẳn… khi xe hàng rong đã về cuối dãy nhà trọ, tức là hôm đó ế. Còn hôm nào, chỉ có tiếng xe đạp cộc cạch, tiếng nắp vung và nồi hấp va vào nhau nghe lách tách, cái loa được nghỉ ngơi sớm, chắc hôm đó sạch nồi, bán đắt.

Mạng xã hội là nơi người ta kết nối với nhau trong những ngày giãn cách. Ổ bánh mì, ly cà phê vỉa hè trở thành “đặc sản” để thèm, để nhớ… Hình ảnh những gánh xôi, xe bánh mì rong ruổi trên đường phố được nhiều người chia sẻ, và tự hỏi gánh hàng rong đó, tiếng rao đó về đâu những ngày này. Cái loa theo xe hàng rong lảnh lót mấy mùa mưa nắng qua từng con đường của thành phố, nay chịu cảnh nằm yên trong một xóm trọ nào đó của dân lao động hay đã trở về trong những đợt đón công dân của các tỉnh, để giảm bớt áp lực cho thành phố trong tình hình dịch bệnh căng thẳng…

Khi mọi thứ rục rịch cho “bình thường mới”, những quán ăn đã được phép bán mang đi, đâu đó sự nhộn nhịp đã có lại một chút nhưng tiếng rao bánh mì, hột vịt lộn… chắc còn lâu mới xuống phố trở lại. Tiếng rao qua loa có thể là giọng nam, giọng nữ, giọng người miền Bắc - Trung - Nam…, và ở họ có một điểm chung là sự tảo tần, chịu thương chịu khó. Mong mai này khi thành phố nhộn nhịp trở lại, những thanh âm đường phố đó cũng trở về ngập tràn sức sống để bước tiếp cuộc mưu sinh.

Tin cùng chuyên mục