Kỷ niệm 59 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12-10-1960 -- 12-10-2019)

Tiếng nói của cách mạng miền Nam trên mọi chiến trường

Đúng 19 giờ ngày 12-10-1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15w, Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình. 

Từ đó, Thông tấn xã Giải phóng chính thức ra đời và thực hiện sứ mệnh thông tin vẻ vang, anh dũng trên mặt trận, duy trì mạch thông tin thông suốt từ chiến trường miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế trong suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. 

Góp phần vào chiến thắng của dân tộc

Suốt 15 năm hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng.

Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó Thông tấn xã Giải phóng có mặt. Đó là những trận đánh của quân dân ta liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy như: bẻ gãy kế hoạch Staley - Taylor và đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961-1965) với 2 chiến thắng lớn Ấp Bắc (1963) và Bình Giã (1964); chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968) với 3 chiến thắng lớn là phản công chiến lược mùa khô của Mỹ - ngụy lần 1 (1965-1966), phản công chiến lược mùa khô lần 2 (1966-1967), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đánh vào Sài Gòn và các đô thị miền Nam; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với cuộc tiến công chiến lược 1972 (chiến dịch Nguyễn Huệ)… Qua những đợt tham gia chiến dịch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi Thông tấn xã Giải phóng đưa tin “kịp thời, chính xác, góp phần vào chiến thắng”.

Tiếng nói của cách mạng miền Nam trên mọi chiến trường ảnh 1 Viết tin gấp, phát tin nhanh trên đường hành quân về Sài Gòn (30-4-1975)

Trong giai đoạn cuộc chiến diễn ra khốc liệt này, tin bài, ảnh về chiến thắng của quân ta trên các chiến trường trọng điểm ở khắp miền Nam được các tổ phóng viên, các điện báo viên thực hiện và gửi về được chuyển ngay cho Hà Nội khi chiến trường vẫn còn mùi thuốc súng, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của Thông tấn xã Giải phóng đã kịp được phát đi, Đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước. 

Làn sóng điện không bao giờ tắt

Để giữ vững mạch thông tin thông suốt, nhiều phóng viên, điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng đã chấp nhận sẵn sàng hy sinh trong quá trình tác nghiệp, thu thập tin tức ở cơ sở, truyền phát tin về cơ quan. Trong đó, có nhiều trường hợp đã hy sinh cả tập thể, có đơn vị nhiều lần hy sinh toàn bộ phóng viên, điện báo viên, nhưng các phân xã vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng để hoàn thành nhiệm vụ.

Điển hình, Phân xã Kiến Tường (nay là Long An) 3 lần bị địch hủy diệt, hàng chục đồng chí hy sinh vào năm 1968; Phân xã Rạch Giá có đến 5 lần bị địch càn tiêu diệt tập thể, 16 đồng chí đã hy sinh; Phân xã Nam Tây Nguyên có 5 đồng chí đều hy sinh vào năm 1969… 

Với những hy sinh như vậy, có thể nói những phóng viên tin, phóng viên ảnh, cán bộ kỹ thuật điện đài, phục vụ công tác thông tin của Thông tấn xã Giải phóng thời chống Mỹ cứu nước thật sự là những chiến sĩ. Để có một dòng tin chiến sự nóng hổi tính thời sự hay một tấm ảnh có sức cổ vũ, để truyền đi một tin nhanh nhất, đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã phải có mặt tại mặt trận để tác nghiệp, để chiến đấu như những người lính và cũng hy sinh như người lính. 

Với “tay viết tay súng, tay máy tay súng”, khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng cầm súng chiến đấu bảo vệ căn cứ, phương tiện làm việc, đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với Hà Nội và các địa phương. Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt”, trong mọi tình huống dù chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ, đi tác nghiệp ở cơ sở phải mang vác nặng nề, cán bộ Thông tấn xã Giải phóng vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt liên tục.

Các phóng viên, nhân viên của Thông tấn xã Giải phóng đã sát cánh cùng với lực lượng quân chủ lực, địa phương chiến đấu kiên cường, trực tiếp tiêu diệt hàng trăm tên địch cùng nhiều khí tài, phương tiện của địch. 

Như bao người lính vì nước quên mình, các cán bộ, phóng viên, điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng đã chấp nhận hy sinh vì sự sống còn của dân tộc, giữ vững truyền thống vượt khó vươn lên, luôn bám sát và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng giao phó, xứng danh là tiếng nói của cách mạng miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Thông tấn xã Giải phóng có hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên… hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, chiếm hơn 50% tổng biên chế của Thông tấn xã Giải phóng vào thời điểm cuối năm 1974 (với hơn 440 người).

Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng đã vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường, đến nay hài cốt vẫn chưa tìm thấy. Cùng với đó, hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình khi chiến đấu, tác nghiệp tại các trận đánh.

Tin cùng chuyên mục