Tiếng cười không lạc lõng

Giữa cơn lốc mạng xã hội bùng nổ, các kênh YouTube về hài, web drama tràn ngập, thì cộng đồng hài độc thoại tiếng Việt do nhóm bạn trẻ mang tên Saigon Tếu tại TPHCM đã mang lại một không gian biểu diễn hài hiện đại, thông minh. 

Ở đó, người trẻ được sáng tạo trong câu chuyện của chính mình và rất nhiều người trẻ khác có thêm không gian giải trí, kết nối những câu chuyện dưới góc nhìn tích cực.

Tiếng cười không lạc lõng ảnh 1 Nhóm Saigon Tếu trong một buổi biểu diễn khi dịch chưa bùng phát

Cộng đồng hài độc thoại trẻ

Hơn 21 giờ, tại một quán cà phê nhỏ trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 3), Uy Lê, một diễn viên hài độc thoại trẻ của nhóm Saigon Tếu, trong trang phục đời thường, đứng trước một nhóm bạn trẻ. Uy cầm mic, kể câu chuyện hồi nhỏ đi học của mình. Uy Lê kể, có những chuyện hài hước mà bất cứ ai ngày còn bé thường gặp phải, khán giả bên dưới ngồi cười rần rần. Uy Lê cũng nói về những lần đi học bị bạn bắt nạt (bởi đám đông), những lần phải đối diện mình, đối diện những cơn giận dữ, những điều người khác làm mình tổn thương… Khoảng lặng Uy Lê mang lại, khiến nhiều người trầm xuống. Có người tìm được sự đồng cảm, có người như được sẻ chia… 

Trong gần 2 giờ, nhiều bạn trẻ khác cũng lần lượt thay nhau lên diễn. Mỗi người một câu chuyện, một phong cách kể riêng, mang lại những tràng cười hài hước. Thể loại hài nhóm Saigon Tếu diễn có tên hài độc thoại (tiếng Anh là Stand-up Comedy). Ở thể loại này, nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trước khán giả, kể những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó, một thông điệp đến mọi người. Anh, Mỹ, Ấn Độ là những quốc gia đầu tiên xuất hiện thể loại hài này. Trước đây, hài độc thoại chưa phổ biến ở Việt Nam, phần lớn các nghệ sĩ hài diễn bằng tiếng Anh tại các phòng trà, quán cà phê… Saigon Tếu chính là nhóm bạn trẻ tiên phong biểu diễn bằng tiếng Việt, mong muốn đưa thể loại hài này phổ biến.

Anh Trần Thanh Tùng (32 tuổi), thành viên nhóm Saigon Tếu, cho biết, nhóm bắt đầu diễn từ cách đây 1 năm, gồm 5 thành viên chính. Hiện tại nhóm có thêm nhiều thành viên mới, sau khi tổ chức một số workshop về hài độc thoại cho bạn trẻ. Với Saigon Tếu, đề tài diễn hài độc thoại thường là những câu chuyện dung dị thường ngày như học hành, thi cử, tình yêu đôi lứa, các vấn đề xã hội… “Saigon Tếu đã diễn hơn 50 buổi, có tổng cộng hơn 30 triệu lượt xem trên các kênh mạng xã hội của nhóm. Tụi mình muốn mang tinh thần sảng khoái, vui vẻ, phóng khoáng, sẻ chia góc nhìn mới về sự vật, sự việc dưới góc nhìn hài hước. Đặc biệt, khi tham gia các work shop như Nghĩ hài hước, Viết hay ho, Quẩy tự tin… các bạn trẻ được luyện tập, thực hành kỹ năng trình diễn, giọng nói, ngôn ngữ hình thể. Nhiều bạn từng rất tự ti đã tự tin đứng trước công chúng, có cái tôi trên sân khấu”, anh Tùng nói. 

Chia sẻ câu chuyện chính mình 

Bạn Uy Nguyễn, một thành viên nhóm Saigon Tếu, cho biết, bắt đầu diễn hài độc thoại bằng tiếng Anh cách đây 4 năm, khi hài độc thoại chưa thực sự quen thuộc ở Việt Nam. Với anh, diễn hài độc thoại tiếng Việt trước đây là một thách thức, vì sự khác biệt văn hóa. Tuy nhiên, khi tiếp cận hài tiếng Việt, những rào cản lại biến thành cơ hội để sáng tạo, trong ngôn ngữ, trong câu chuyện.

Uy Nguyễn chia sẻ: “Tiếng Việt rất phong phú, giàu đẹp và quá nhiều chất liệu câu chuyện để khai thác. Giờ lại khoái diễn tiếng Việt nhiều luôn rồi. Không ít người nghĩ hài độc thoại là ngẫu hứng, không cần kịch bản nhưng không phải. Trước khi diễn, tụi mình lên kịch bản rất kỹ, thậm chí biểu diễn trước cho nhau xem”.

Khác với các loại hình sân khấu khác, hài độc thoại mang tính tương tác nhiều. Diễn viên có thể nói chuyện, chọc cười khán giả và phải dẫn dắt người xem tìm thấy sự đồng cảm với câu chuyện, chứ không chỉ là hài hời hợt, cười nhảm rồi thôi. “Diễn là trước tiên biết được cảm xúc trong câu chuyện đó, là câu chuyện thật của mình. Đây không chỉ là chuyện cười mà còn là những câu chuyện chân thật đã trải qua”, Uy Nguyễn nói.

Theo anh Uy Lê, người sáng lập Saigon Tếu, giá trị tâm đắc nhất khi diễn hài độc thoại đó là sự chân thật với chính mình. Hài hước là một kỹ năng. Ai cũng có thể luyện tập nhưng sự chân thật, tự tin vào bản thân mới là điều phải bứt phá để trở thành một diễn viên hài độc thoại. 

Nhóm Saigon Tếu đam mê hài độc thoại tiếng Việt và mong muốn đưa loại hình này phổ biến hơn

Uy Lê cho rằng, giá trị hài hước mang đậm tính chủ quan nên không dám định nghĩa thế nào mới là “hài thực sự”. Đối với Uy Lê và các bạn trẻ trong nhóm, sân khấu hài độc thoại là nơi để những quan điểm, cảm xúc thường ngày có thể được chia sẻ một cách hài hước và nghệ thuật. “Mình luôn muốn đem tới những nụ cười hài hước, vui vẻ nhưng đi kèm là những sự thật, những mặt trái của cuộc sống mà chúng ta hay che giấu, sợ nhắc đến. Sân khấu hài độc thoại là cơ hội để mọi người suy nghĩ, chia sẻ một khoảnh khắc và có một cuộc đối thoại với chính mình, về những điều bình thường không dám nghĩ đến”.

Những diễn viên hài độc thoại đều là những người còn trẻ. Họ có những chênh vênh, cũng từng vấp ngã. Khi chia sẻ câu chuyện chính mình bằng hài độc thoại, họ tin ở ngoài kia cũng có những người trẻ đang loay hoay với cuộc đời tìm được chút ít đồng cảm, thấy được lắng nghe.

Tin cùng chuyên mục