Tiếng con vào đời

Trong cuộc đời làm cha làm mẹ, mấy ai có thể quên những cột mốc quan trọng của con mình: cái lẫy đầu tiên, bước đi đầu tiên và cả tiếng nói đầu đời.
Trên hành trình lớn lên của trẻ cần sự đồng hành, sự tinh tế của người lớn để những cột mốc quan trọng của con luôn trọn vẹn
Trên hành trình lớn lên của trẻ cần sự đồng hành, sự tinh tế của người lớn để những cột mốc quan trọng của con luôn trọn vẹn

1. Các cụ thường nói “trẻ lên ba, cả nhà học nói” quả là không sai. Tiếng nói đầu đời của bé Bi ở tháng tuổi thứ 11 đã mở ra một “chiến lược” mới trong ngôn ngữ giao tiếp của cả gia đình tôi. Chồng tôi vốn kỹ tính, từ hồi tôi còn bầu Bi, ổng đã rước về cả mớ sách tư vấn nuôi dạy con. Giai đoạn nào cần làm gì, ổng nhớ hết trơn. Bởi vậy mà ngày con cất tiếng gọi “ba ba”, cũng là ngày ổng đưa ra cả tá quy định về việc nói năng của người lớn trong nhà. Nào là người lớn đều phải nói to, chậm, rõ chữ tròn vành, xưng hô ba - mẹ - ông - bà để con bắt chước. Rồi câu nói phải có đầu, đuôi, có thưa, có dạ. Dĩ nhiên, những từ lóng, từ thiếu tính thân thiện cũng bị loại ra khỏi “từ điển ngôn ngữ” của gia đình. Lúc đầu không dễ để vào khuôn khổ, tôi cũng áp lực ra trò chứ chả đùa.

Mấy người quen thấy vợ chồng tôi thận trọng lời ăn tiếng nói trước mặt con thì cũng nhỏ to bàn tán. Mọi người bảo, nhỏ như Bi thì biết gì mà làm quá. Có người còn khoe con họ vẫn tiếp cận cuộc sống bình thường rồi cũng ổn, bởi đứa nào ngoan ngoãn, lễ phép hay ăn nói cộc cằn thì từ nhỏ tính tình đã vậy, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” mà.

Ừ thì, mỗi người một quan điểm, vợ chồng tôi coi đây là dịp vừa dạy con, vừa rèn giũa lại bản thân, chỉn chu lời ăn tiếng nói, âu cũng chẳng thừa.
Cẩn thận là vậy, mà có lần bé Bi cũng nói mày, tao hay gọi ba là anh và nói nhiều từ không hay. Vợ chồng tôi hoảng hồn, lập tức kiểm điểm lại bản thân xem có nói gì hớ không. Nhưng nghĩ tới, nghĩ lui cũng không thấy mình hớ chỗ nào. Mãi mấy hôm sau, ba Bi mới phát hiện con nghe trên tivi rồi bắt chước lại. Vậy là việc xem tivi của gia đình cũng cần chú ý lại, ưu tiên tìm kiếm những kênh thiếu nhi uy tín để con xem. Khổ sở nhất là gặp người quen, vì cưng nựng trẻ mà nhiều người cố tình nói nũng nịu, giả nói ngọng. Mình góp ý cũng ngại mà không góp ý thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến con trẻ.

2. “Trông từng ngày để mong con biết nói, nhưng đến lúc con nói thạo thì biết tay nhau ngay. Một cú sốc cũng rất ra gì và này nọ cho các phụ huynh đấy”, thấy Bi tập nói, mấy chị đồng nghiệp xúm vào cảnh tỉnh tôi như vậy. Mấy chị còn hay đùa - ở nhà không làm được gì vì bận chơi trò... hỏi xoay đáp xoáy với con.

Chuyện này thì tôi có chứng kiến, biết nhiều là đằng khác. Bé Sò hàng xóm nhà tôi chứ đâu xa, thằng bé có thể huyên thuyên cả buổi sáng chỉ để thắc mắc với mẹ sao tóc mẹ không phải màu trắng, sao lại màu đen, sao mẹ trẻ hơn bà, sao bà lại sinh ra mẹ? Có khi bé hứng thú với một cái bút màu hay một quả banh nhựa và lập tức cho ra chuỗi cả chục câu hỏi để thử thách mẹ. Ba mẹ rảnh rỗi thì không sao, những lúc đang gấp gáp chuyện gì hoặc bận việc nhà cửa, hỏi lắm thế nào cũng bị tét mông.

Mẹ Sò kể, thời điểm dịch Covid-19 phải giãn cách, làm việc tại nhà, ba mẹ Sò xảy ra “chiến tranh” mấy trận vì công việc nhiều mà con thì cứ đứng bên cạnh hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, càng trả lời thằng bé càng hỏi. Ngày nào ở hành lang chung cư tôi chả nghe vọng ra tiếng quát “hỏi gì mà hỏi lắm thế” hay “con im lặng một phút cho ba mẹ nhờ được không”.

Nhìn Sò và kinh nghiệm mà các chị, các mẹ truyền lại, vợ chồng tôi vừa vui vừa lo lắng không biết mình có đủ kiên nhẫn với con. Nói vui vậy chứ, con bập bẹ biết nói cũng là cột mốc nhắc nhở ba mẹ chuẩn bị một tinh thần thật bình tĩnh để trả lời 1001 câu hỏi vì sao của con.

Theo các chuyên gia tâm lý mà tôi đọc được trên báo, giai đoạn học nói của trẻ là độ tuổi vàng để trẻ học hỏi mọi thứ xung quanh, việc trẻ hỏi nhiều sẽ giúp hình thành tư duy tích cực, tư duy sáng tạo, tư duy phân tích đa chiều…

Đúng là trẻ hỏi nhiều lợi chứ chẳng hại gì, ba mẹ chịu khó vậy. Việt Nam có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” là vậy. Có thêm một đứa trẻ là sẽ sinh ra thêm những trọng trách khác dành cho người lớn. Và nuôi một đứa trẻ đâu chỉ ăn no, mặc ấm, trên hành trình lớn lên của trẻ, nếu thiếu sự đồng hành, sự tinh tế của người lớn thì những cột mốc quan trọng của con khó mà trọn vẹn.

Cũng may, giờ có nhiều sách báo, phụ huynh tha hồ trang bị kiến thức và cách xử lý những câu hỏi “trời ơi đất hỡi” của con trẻ. Quan trọng vẫn là bản thân có rèn được tính nhẫn nại hay không.


Tin cùng chuyên mục