Tiến tới thành phố xanh và thông minh

Hiện trên thế giới, khu vực đô thị chiếm khoảng 2/3 lượng tiêu thụ năng lượng và 70% lượng khí thải làm trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu. 
Đô thị thông minh kết hợp với đô thị xanh là mô hình TPHCM hướng đến trong tương lai Trong ảnh: Một góc TPHCM hiện đại
Đô thị thông minh kết hợp với đô thị xanh là mô hình TPHCM hướng đến trong tương lai Trong ảnh: Một góc TPHCM hiện đại
 Nhằm chữa trị “căn bệnh” này, không ít tổ chức, chuyên gia trên thế giới đã và đang nghiên cứu nhiều giải pháp. Trong đó, xây dựng đô thị xanh là nguyên tắc căn bản và cần thiết.

Xu hướng xanh

Từ lâu, thế giới đề cập đến khái niệm “đô thị xanh” như một xu hướng đô thị thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tại châu Âu, đô thị xanh đảm bảo những yếu tố như: Không gian xanh - đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/đầu người cao; không gian công cộng, công viên, mặt nước được quan tâm, chăm sóc. Công trình xanh - sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Giao thông xanh - ưu tiên giao thông công cộng sử dụng khí tái chế. Công nghệ xanh - ứng dụng giải pháp công nghệ hạn chế ô nhiễm. Bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thân thiện; cộng đồng dân cư thân thiện với môi trường.   

Tương tự, hội nghị thượng định của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) sử dụng 2 thuật ngữ quan trọng khi nói về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm giảm thiểu lượng phát thải, nhiệt độ ấm lên toàn cầu và thích ứng với nhiệt độ tăng, nước biển dâng và khí hậu cực đoan. Hai biện pháp trên (giảm thiểu  và thích ứng) hỗ trợ lẫn nhau ngăn chặn tác động tiêu cực đối với môi trường. Trong Công ước khung của UNFCC, các thành viên cam kết mức tăng nhiệt độ trên Trái đất ở mức dưới 2°C và cố gắng giới hạn ở mức 1,5°C. Đó là những tiêu chí, đặc điểm kiến tạo nên mô hình đô thị xanh.

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Quan ngại hơn, TPHCM là một trong 5 đô thị gánh hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu. Do vậy, đô thị xanh là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình phát triển bền vững ở nước ta. 

Theo Bộ Xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh là lựa chọn mang tính chiến lược để ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững. Đây là xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, dựa vào đặc tính riêng, mỗi quốc gia lựa chọn chiến lược và cách thức riêng trong việc phát triển loại hình đô thị này.

Trước đặc thù tự nhiên, xã hội ở nước ta, Bộ Xây dựng quy định tiêu chí cho đô thị sinh thái, đô thị xanh, gồm: giữ gìn, phát huy yếu tố thiên nhiên; tính đa dạng, tính cộng đồng cao; xây dựng ít, chiếm đất ít nhất; khoảng cách di chuyển ngắn; không gian kiến trúc có tính đặc trưng; mức độ phát thải tiến tới bằng không; giữ gìn tài nguyên nước; công trình khỏe mạnh; lợi ích kinh tế cao.  

Đô thị xanh phải đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường để người dân sống tốt và xã hội phát triển bền vững. Do vậy, tùy vào đặc thù, các địa phương cần đưa tiêu chí xanh vào quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị sao cho đảm bảo những nguyên tắc căn bản thế giới đã công nhận. Ngoài ra, như nhiều quốc gia, nước ta cần nâng cao khả năng dự trữ nước và công suất của hệ thống thoát nước nhằm ứng phó với lượng nước mưa ngày một gia tăng và mực nước biển dâng cao; đồng thời, đảm bảo kết cấu đô thị mang lại không khí trong lành. 

Như vậy, đối chiếu với từng tiêu chí nêu trên thì ngay những khu đô thị mới kiểu mẫu (Phú Mỹ Hưng ở TPHCM, Linh Đàm ở Hà Nội…) cũng chỉ tạm xem là đô thị thân thiện với môi trường, chứ chưa thể gọi là đô thị xanh. Chưa kể đến, hiện nhiều dự án khu nghỉ dưỡng đang lợi dụng danh xưng đô thị sinh thái, đô thị xanh để đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp, khiến khách hàng dễ nhầm lẫn. 

Hướng tới đô thị sinh thái thông minh bền vững

Nhiều nghiên cứu chứng minh thành phố thông minh là thành phố trung tính về  khí CO2, sử dụng năng lượng và tài nguyên có hiệu quả phù hợp với khí hậu trong tương lai, nhất là với biến đổi khí hậu. Thành phố thông minh cũng gọi là thành phố sinh thái. Trong tương lai, đô thị hiện đại sẽ quy hoạch và phát triển theo xu hướng “Đô thị sinh thái thông minh bền vững” (Sastainable Smart Eco City). Đây là sự kết hợp giữa thành phố sinh thái, thành phố xanh và thành phố thông minh. 

Hai đô thị lớn nhất nước ta là Hà Nội và TPHCM vừa chính thức tham gia mạng lưới “Các thành phố thế giới”. Đây là sáng kiến do Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng với mục đích trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tối ưu giữa các đô thị thuộc EU và những quốc gia ngoài khối EU về chính sách phát triển đô thị, với trọng tâm là phát triển bền vững, hướng tới  sự sáng tạo dành cho “thành phố thông minh và thành phố xanh”. Có thể dự đoán, thành phố tương lai trong bối cảnh phát triển của nước ta là sự kết hợp giữa thành phố thông minh và thành phố xanh. Mô hình quy hoạch đô thị thông minh và xanh góp phần xử lý các căn bệnh đô thị một cách thông minh, từ đó phục vụ dân sinh, cân bằng sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường.

Đơn cử, TPHCM đã và đang thực hiện 6 chương trình đột phá với mục tiêu giải quyết những thách thức trong phát triển, làm cơ sở xây dựng “thành phố sống tốt, đô thị thông minh”. Tuy nhiên, kết quả thu về vẫn còn hạn chế. Sau đó, TPHCM bổ sung thêm chương trình đột phá về chỉnh trang và phát triển đô thị. Cụ thể, chính quyền TPHCM tập trung di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, nâng cấp những khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới chung cư xuống cấp, tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng. Phấn đấu đến năm 2020, TPHCM cơ bản hoàn thành công tác di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, cũng như cải tạo hoặc đầu tư xây mới 50% số chung cư hư hỏng (trong số 474 chung cư). Song song đó, TPHCM tập trung phát triển một số “khu đặc thù gắn liền với không gian tự nhiên đặc trưng của thành phố” để bổ sung, tăng cường một số chức năng đô thị. 

Hiện thành phố Osaka (Nhật Bản) đang hỗ trợ TPHCM (giai đoạn 2016-2020) thực hiện chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới quản lý, sử dụng tốt nguồn nước; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý chất thải nguy hại, thu hồi năng lượng từ rác; phát triển giao thông công cộng, sử dụng nguyên liệu sạch; hạn chế tối đa chất thải và khí thải gây ô nhiễm.
Hình thành trung tâm điều hành

Sau thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng và công bố đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; năm nay, TPHCM bắt tay xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể một trung tâm điều hành đô thị thông minh. Hiện tại, các cơ quan chức năng liên quan đang rà soát, đề xuất địa điểm để đặt trung tâm này. Đồng thời, chính quyền TPHCM cũng từng bước hoàn thiện các trung tâm quản lý chuyên ngành trong từng lĩnh vực. 

Đến nay, TPHCM đã thí điểm vận hành trung tâm điều hành tại quận 1 và quận 12; tích hợp các trung tâm quản lý chuyên ngành hiện có về trung tâm điều hành đô thị thông minh. 

Tại quận 1, trung tâm có 8 hệ thống tích hợp, gồm: camera an ninh thông tin, phòng cháy chữa cháy thông minh, quản lý đô thị thông minh, quản lý giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ công trực tuyến, điều hành an toàn thông tin mạng. UBND TP đang xem xét đề xuất của UBND quận 1 về việc giới thiệu doanh nghiệp hỗ trợ, tư vấn trong quá trình triển khai xây dựng trung tâm, cũng như toàn bộ đề án. Cùng đó, UBND TP cũng thành lập tổ chuyên gia phối hợp với UBND quận 1 sao cho đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ khi thực hiện đề án. Mặt khác, UBND TP có chính sách hỗ trợ nhân sự có chuyên môn kỹ thuật trong công tác vận hành trung tâm điều hành tại quận 1.  
Theo đề án đã công bố, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh là nơi tổng hợp thông tin, số liệu kết nối đến tất cả cơ sở dữ liệu của sở ngành, quận huyện trực thuộc TPHCM. Qua trung tâm, lãnh đạo chính quyền TPHCM có đầy đủ thông tin, dữ liệu trong điều hành, quy hoạch, định hướng phát triển.
 
                                                                                                            MẠNH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục