Tiến thoái lưỡng nan

Nhìn lại năm 2018, giá trị xuất khẩu mặt hàng xi măng và clinker chạm mức 1,2 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng 76% so với năm 2017. Cùng với đó, sản lượng xuất khẩu mặt hàng này ghi nhận mức tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 31,6 triệu tấn. Đây là những con số ấn tượng, đặc biệt là trong bối cảnh ngành xi măng vừa trải qua một giai đoạn dư cung - thiếu cầu. 
Tiến thoái lưỡng nan

Khởi đầu năm 2019, thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu ước đạt khoảng 23,08 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018. Số liệu về sản lượng tiêu thụ sản phẩm xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu cho thấy, thị trường này vẫn giữ được sự ổn định; do đó, mục tiêu kế hoạch tiêu thụ từ 96-98 triệu tấn sản phẩm của cả năm 2019 là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thực tế cho thấy, trong quá trình xuất khẩu xi măng và clinker vẫn đang thiên về xuất khẩu clinker nhiều hơn. Clinker là nguyên liệu chính để làm ra xi măng và các đối tác lớn của Việt Nam hiện nay dù đang có nhà máy nhưng rất thiếu hụt nguyên liệu này. Nhằm thúc đẩy sản lượng, Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để xi măng và clinker có thể xuất ngoại. Do đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15-12-2017 sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP.

Trong đó, đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng có hiệu lực kể từ 1-2-2018 nhằm giúp doanh nghiệp xi măng tăng hiệu quả xuất khẩu. Mặc dù đang có những ưu đãi và khá nhiều lợi thế, song xuất khẩu xi măng của Việt Nam vẫn còn những khó khăn trước mắt.

Bởi mới đây, Philippines (thị trường chủ lực của Việt Nam với sản lượng xuất khẩu đạt 6,6 triệu tấn) áp thuế tự vệ xi măng lên Việt Nam 4 USD/tấn để bảo vệ cũng như thúc đẩy ngành sản xuất nội địa. Mặt khác, động lực tăng trưởng chủ yếu của ngành xi măng vẫn là tăng trưởng của ngành xây dựng, nhất là mảng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng đang có dấu hiệu chững lại.

Ngoài ra, việc vận hành các dây chuyền mới có thể tạo áp lực thêm việc dư cung trong thời gian tới. Điều này xuất phát từ công suất lắp đặt của Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 3 trên thế giới với 148 triệu tấn/năm.

Việc đưa thêm các dây chuyền mới vào hoạt động sẽ làm tăng sản lượng cung, trong khi lượng cầu không thay đổi đáng kể. Chưa kể, tác động của chính sách bảo hộ, chiến tranh thương mại giữa các nước, sự mất giá đồng tiền ở một số quốc gia và dự báo chi phí năng lượng (than, dầu) tiếp tục có xu hướng tăng, các yếu tố đầu vào cho sản xuất xi măng bị tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xi măng còn đang phải đối diện với chi phí đầu vào tăng như giá than, giá điện thời gian mới đây.

Trên thực tế, các doanh nghiệp xi măng vẫn lạc quan và xác định tiếp tục tối ưu hóa chủng loại xi măng để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng tỷ lệ sử dụng phế thải công nghiệp như tro xỉ nhiệt điện và đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào cho ngành… Tuy nhiên, với những bất ổn như nêu trên và nếu không có kế hoạch giải pháp điều chỉnh kịp thời thì quả là tình thế tiến thoái lưỡng nan cho ngành xi măng trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục