Tiền tệ hay nguồn cơn của chiến tranh

Song Hongbinh (Tống Hồng Binh) là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính Hoàn Cầu (Bắc Kinh). Ngoài nghiên cứu về thị trường tài chính, cũng như tham vấn về chiến lược kinh doanh cho các tập đoàn lớn, Tống Hồng Binh còn cho ra đời nhiều đầu sách về lĩnh vực mà mình đam mê, trong đó nổi tiếng nhất là bộ sách Chiến tranh tiền tệ gồm 2 tập, do Bách Việt và NXB Lao động ấn hành.

Không đơn thuần là cuốn sách về tài chính, "Chiến tranh và tiền tệ" còn mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện, sâu sắc về mối quan hệ giữa tiền tệ, chính trị và chiến tranh
Không đơn thuần là cuốn sách về tài chính, "Chiến tranh và tiền tệ" còn mang đến cho người đọc cái nhìn toàn diện, sâu sắc về mối quan hệ giữa tiền tệ, chính trị và chiến tranh

Khi nói tới “chiến tranh tiền tệ” người ta nghĩ ngay tới quá trình làm lũng đoạn thị trường của các tập đoàn lớn. Khủng hoảng kinh tế, bong bóng bất động sản, hay sự sụp đổ của các tập đoàn lớn… đó là những hệ quả khủng khiếp của chiến tranh tiền tệ mà người đọc có thể nghĩ tới. Nhưng tác giả Tống Hồng Binh muốn kể cho người đọc một câu chuyện ly kì và hấp dẫn hơn. Đó là mối quan hệ mật thiết như “kiềng ba chân” giữa tiền tệ, chính trị và chiến tranh.

Tiền tệ nguồn sống của các quốc gia

Để duy trì cuộc sống cho một gia đình nhỏ, tài chính đã trở thành một điều vô cùng quan trọng. Đối với một quốc gia, đây trở thành vấn đề sống còn. Không có nhà nước nào có thể tồn tại với quốc khố trống rỗng. Khi ngân quỹ quốc gia eo hẹp, chính phủ sẽ rơi vào tình thế nguy nan, rất dễ bị các cường quốc khác thôn tính. Với các quốc gia non trẻ, tài chính được ví như “trái tim” của đất nước.

Câu chuyện về sự ra đời của xứ cờ hoa chính là một ví dụ. Sự quyết liệt và can đảm của George Washington trước Vương quốc Anh chưa đủ cho sự ra đời của nước Mỹ. Khi biết vị tư lệnh tài ba này muốn lập nên một nhà nước mới, đề cao dân chủ, các tập đoàn tài chính lớn của châu Âu đã vươn “vòi bạch tuộc” tới bên kia đại dương để ủng hộ cho vị tướng tài.

Nhờ có sự giúp đỡ của nhiều tập đoàn tài chính lâu đời của châu Âu mà George Washington mới có thể nuôi được một đội quân hùng hậu, để phục vụ cho chiến tranh. Nếu bắt tay với các ông lớn của giới ngân hàng là cách mà “vị cha già” của nước Mỹ đã làm, để có được quyền lực thì tìm cách thoát khỏi sự thao túng của các giới tài phiệt lại là vấn đề khiến những người kế nhiệm của ông phải đau đầu.

Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ - Andrew Jackson được biết đến với biệt danh “con nợ vĩ đại”. Trước khi chết, ông từng khốn khổ với những khoản nợ. Để đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn về tài chính, ông đã tìm cách để phát triển nền công nghiệp, thay vì đi vay và trở thành “con rối” của các ông chủ ngân hàng. Chính vì lẽ đó, ông trở thành cái gai trong mắt giới tài phiệt nhà băng.

Người ta cho rằng, vụ ám sát vào năm 1835 nhằm vào Tổng thống Andrew Jackson là âm mưu của các ông lớn trong giới ngân hàng, kẻ bệnh hoạn bị đưa ra trước đoạn đầu đài chỉ là con tốt thí mà thôi. Mâu thuẫn giữa tài chính và quyền lực cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, Abraham Lincoln. Nhưng tiếc rằng ông không được may mắn như người tiền nhiệm của mình. Một phát súng đã tước đi mạng sống của con người tài ba ấy.

Vòng luân hồi giữa tiền tệ và chiến tranh

Ngoài nghiên cứu về tài chính, tác giả Tống Hồng Binh còn dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử của nước Mỹ. Thế nên, những câu chuyện về lịch sử hơn 400 năm của cường quốc này hiện lên rất sinh động trong trang viết của ông. Nhưng chúng ta hãy tạm rời xa vùng đất của những chàng cao bồi. Các cường quốc của “châu lục già” cũng không thoát khỏi mối lo về tài chính.

Cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp vào thế kỉ XVII đã mang đến cho vua William Đệ nhất của nước Anh vô khối rắc rối. Khoản chiến phí khổng lồ đã khiến cho ngân khố của xứ sở sương mù trở nên cạn kiệt. Để nuôi sống bộ máy của mình, nhà vua phải trở thành con nợ của các ngân hàng. Và một vòng luân hồi giữa chiến tranh và tiền tệ cứ thế tiếp diễn. Để có thể nuôi quân đội trong cuộc chiến, chính phủ cần tiền, và để có tiền các nhà tài phiệt sẵn sàng kích động chính trường để châm ngòi cho cơn binh lửa.

Câu chuyện giữa Áo và Phổ, hay cuộc chiến giữa Pháp và Đức giữa thế kỉ XIX, đều được bắt đầu bằng những kịch bản tương tự. Điểm chung lớn nhất giữa những cục diện chính trị ấy là: Quốc gia yếu thế về kinh tế chắc chắn sẽ phải chịu thiệt thòi.

Lạm phát chính là cơn ác mộng của các cường quốc thời kì hậu chiến. Câu chuyện về những đứa trẻ Đức dùng đồng mark mất giá để làm diều giấy vẫn là nỗi ám ảnh lớn trong lịch sử. Chịu thiệt thòi nhiều nhất trong những cuộc chiến kim tiền ấy có lẽ là những người lao động nghèo, những người luôn mơ về một mái ấm và những bữa ăn no. Còn những ông lớn của ngành ngân hàng vẫn mải vui thú với đống lợi nhuận béo bở vừa kiếm được.

Vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuốn sách về tài chính thông thường Chiến tranh tiền tệ của tác giả Tống Hồng Binh mang đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về mối quan hệ giữa tiền tệ, chính trị và chiến tranh. Với ngòi bút sắc sảo và khối lượng kiến thức đồ sộ về lịch sử mà tác giả mang đến cho người đọc, đã tạo nên sức hấp dẫn cho bộ sách này. Đồng tiền là thứ không có quốc tịch, nó chỉ biết đến lợi ích mà thôi.

Tin cùng chuyên mục