Tiên phong vì sức khỏe cộng đồng

Sang Nhật Bản từ năm 2002 bằng học bổng của chính phủ nước bạn, ước mơ của TS-BS Phạm Nguyên Quý (Khoa Nội khoa Ung thư, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto) ban đầu chỉ đơn giản là du học rồi đem những kỹ thuật và phương pháp điều trị tiên tiến về áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, những giá trị nhân văn trong chăm sóc y tế ở Nhật đã khiến anh thay đổi suy nghĩ và hướng đến mục tiêu hỗ trợ cộng đồng theo những cách khác.

TS-BS Phạm Nguyên Quý
TS-BS Phạm Nguyên Quý

Năm 2008, Phạm Nguyên Quý là một trong 8 sinh viên được Đại học Y Nha Tokyo cử sang Đại học Y khoa Harvard thực tập. Ở Mỹ, anh ấn tượng với những tờ rơi phổ biến về kiến thức y khoa dành cho bệnh nhân tại phòng khám và bệnh viện. Những tờ rơi mà bệnh nhân đọc trong lúc chờ khám đã giúp họ giao tiếp hiệu quả hơn với bác sĩ.

Khi đó, tại Việt Nam hình thức này vẫn chưa được phổ biến trong khi nhiều người dân thiếu thông tin về tình trạng bệnh của mình. Ý tưởng thiết lập một website về y học thường thức có tính hệ thống với chất lượng cao, kèm phương thức truyền thông hợp lý ra đời và anh đã khởi động dự án Y học cộng đồng vào cuối kỳ nghiên cứu sinh tiến sĩ (năm 2012) tại Nhật. Từ đó đến nay, cùng 375 bác sĩ và cộng tác viên trong và ngoài ngành y, tổ chức này đã biên soạn và phổ biến hơn 3.000 bài viết từ các website uy tín của nước ngoài, chia thành nhiều chuyên khoa: Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa, Nhi khoa, Nha khoa và gần đây có thêm Ung thư, Bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Các bài viết này đều được chia sẻ miễn phí trên website: yhoccongdong.com.

Ngoài mục tiêu chính là cải thiện dân trí về y tế, giúp bệnh nhân và người thân của họ hiểu thêm về bệnh tật để hợp tác tốt hơn với bác sĩ trong quá trình điều trị, dự án Y học cộng đồng còn gián tiếp kết nối các bác sĩ uy tín trong và ngoài nước cùng hỗ trợ nhau và giúp sinh viên cập nhật kiến thức chuyên ngành, nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cũng gặp một số trở ngại, một phần do thông tin chính thống về khoa học, y học thường khô khan, không lan tỏa nhanh bằng những thông tin được chia sẻ theo cảm xúc hoặc do quảng cáo chủ động trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hào hứng chia sẻ về những hướng phát triển sắp tới của dự án, TS-BS Phạm Nguyên Quý cho biết sẽ hoàn thiện các dự án/chủ đề y khoa khác để trở thành thư viện y khoa có tài liệu đầy đủ nhất dành cho bệnh nhân vào năm 2025. Trước mắt, dự án Y học cộng đồng tập trung nghiên cứu cải tiến cách truyền đạt thông tin như tổ chức nhiều buổi hội thảo trực tuyến về sức khỏe, mà gần đây là chương trình Nghìn lẻ một đêm Ca (K) để hướng dẫn chung về cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, và cũng là sân chơi mà bệnh nhân chia sẻ kinh nghiệm vượt khó với nhau; hay một số bác sĩ của dự án Y học cộng đồng đang hợp tác phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động giúp bệnh nhân tiếp cận thông tin an toàn và phù hợp hơn. Dự án cũng mong muốn mở rộng hoạt động hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị, người khuyết tật qua việc triển khai sách nói; hỗ trợ người Việt đang sống ở Nhật qua ứng dụng sàng lọc triệu chứng nguy hiểm và hỏi bệnh sử tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Hiện sinh sống và làm việc tại Nhật, TS-BS Phạm Nguyên Quý cũng là một trong những chuyên gia tích cực tham gia vào dự án hỗ trợ y tế cho người Việt tại Nhật trong mùa dịch Covid-19. Do không rành tiếng Nhật và thuật ngữ y khoa nên nhiều người Việt đã không thể đi khám hoặc tiếp cận các đường dây nóng do Chính phủ Nhật Bản triển khai về Covid-19. Đầu tháng 5-2020, nhằm góp phần giải quyết tình trạng trên, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản đã khởi xướng hoạt động và cùng gần 50 điều dưỡng, 3 bác sĩ người Việt thành lập kênh tư vấn, giải đáp những câu hỏi cho cộng đồng. Trong gần một tháng, nhóm đã giúp gần 500 trường hợp sàng lọc, từ đó hỗ trợ điều trị kịp thời 5 ca dương tính virus SARS-CoV-2.

Với TS-BS Phạm Nguyên Quý, niềm hạnh phúc của anh sau một ngày tất bật với công việc là trở về nhà quây quần bên bữa cơm gia đình với vợ và 3 con nhỏ. Xa quê hương đã lâu nhưng những món ăn đậm đà hương vị Việt Nam vẫn là món ăn anh yêu thích. Vị tiến sĩ 38 tuổi này tâm sự, ước mơ của anh là dạy con thông thạo tiếng Việt, từ đó giúp con hiểu hơn về quê hương và không quên cội nguồn dân tộc.

Ngày 19-7-2020, tờ Kyoto Shimbun, nhật báo lớn nhất Kyoto, đã có bài viết về chân dung bác sĩ Phạm Nguyên Quý và những đóng góp của anh trong Chuyên mục “Người tốt việc tốt ở cố đô”. Đây là góc giới thiệu những gương mặt tiêu biểu tại Kyoto, hiếm khi xuất hiện người ngoại quốc.

Tin cùng chuyên mục