Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng

Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ban Tổ chức Trung ương; Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM và Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố, cùng đại gia đình trang trọng tổ chức lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Ngô Thị Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lễ truy điệu đồng chí Ngô Thị Huệ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lúc 8 giờ 20 sáng 9-6, Lễ truy điệu đồng chí Ngô Thị Huệ - cán bộ lão thành cách mạng, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, nguyên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, huy hiệu 85 năm tuổi Đảng, được cử hành trọng thể tại Nhà Tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TPHCM).

Có mặt để cùng gia đình tiễn đưa đồng chí Ngô Thị Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng, có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng ban lễ tang, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM các thời kỳ.

Vĩnh biệt một con người mẫu mực

Đọc lời điếu, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đồng chí Ngô Thị Huệ, người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng; một phụ nữ kiên gan, bất khuất, nhân hậu, thủy chung; một cán bộ lão thành cách mạng; một đảng viên kiên trung, một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, đã cống hiến trọn cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đọc lời điếu tại Lễ truy điệu đồng chí Ngô Thị Huệ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Do tuổi cao, sức yếu, dù được gia đình, người thân, các y, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tận tình chăm sóc nhưng đồng chí đã thanh thản ra đi về thế giới người hiền vào lúc 20 giờ ngày 5-6-2022 (nhằm ngày 7-5, năm Nhâm Dần), hưởng thọ 105 tuổi.

“Dẫu biết cuộc đời là hữu hạn, sinh - tử là quy luật của tạo hóa, nhưng sự ra đi của đồng chí Ngô Thị Huệ vẫn làm cho chúng ta xúc động, ngậm ngùi, thương tiếc đến tột cùng. Hình ảnh thân thương, tinh thần sống lạc quan, nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng rộng lớn, tình cảm thiết tha của cô Bảy Huệ kính yêu sẽ còn đọng mãi trong tâm trí chúng ta”, đồng chí Nguyễn Văn Nên xúc động.

Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 3 Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM các thời kỳ tại lễ truy điệu đồng chí Ngô Thị Huệ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Gần trọn cuộc đời đi theo cách mạng, 105 tuổi đời, 87 tuổi Đảng, được giao nhiều trọng trách khác nhau, nhưng ở cương vị nào, đồng chí cũng đem hết tâm sức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà không hề so tính. Ý chí, nghị lực, lòng trung thành, dũng cảm của đồng chí mãi là biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam Anh hùng.

Đối với đồng chí, đồng nghiệp, đồng chí Ngô Thị Huệ luôn ân cần lắng nghe, chia sẻ, chân tình, gần gũi như người cô, người dì, người chị thân thiết trong gia đình. Với bà con khu phố, đồng chí sống giản dị, chan hòa, khiêm tốn, luôn gương mẫu trong mọi sinh hoạt. Là người bảo trợ, hết lòng, hết sức chăm lo bệnh nhân nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 4 Đồng chí Võ Văn Thưởng thắp hương, đưa tiễn đồng chí Ngô Thị Huệ về nơi an nghỉ vĩnh hằng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với gia đình, đồng chí luôn là hậu phương vững chắc cho chồng là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, là điểm tựa tinh thần để đồng chí Tổng Bí thư toàn tâm, toàn ý cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc. Là người mẹ, người bà mẫu mực, luôn dành tình yêu thương đặc biệt cho các con, các cháu.

“Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng ta có mặt tại đây để tiễn đưa đồng chí Ngô Thị Huệ về cõi vĩnh hằng. Đồng chí ra đi, để lại cho gia đình, người thân một khoảng trống không gì bù đắp được; xóm giềng mất đi một người cô, người bác, người bà thân tình, cởi mở.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM mất đi một người đảng viên, một cán bộ lão thành, một cây đại thụ, một tấm lòng nhân hậu. Xin cho phép tôi chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát to lớn cùng gia quyến và tin tưởng các anh, các chị, các em, các cháu nén đau thương và luôn hãnh diện, tự hào về người bà, người mẹ của mình đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho Đảng, cho nhân dân, cho đất nước và cho thành phố thân yêu này.

Bên linh cữu Cô trong giờ phút thiêng liêng này, chúng con xin cúi đầu tiễn biệt, noi gương sáng của Cô Bảy, chúng con nguyện học tập, rèn luyện để tiếp nối sự nghiệp, mãi sống xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của Cô Bảy và bao thế hệ tiền nhân”, đồng chí Nguyễn Văn Nên xúc động.

Đại diện gia đình, bà Nguyễn Thị Hòa, con gái đồng chí Ngô Thị Huệ xúc động bày tỏ lòng biết ơn những tình cảm yêu thương, chia sẻ mà lãnh đạo Đảng, nhà nước, anh em, bạn bè đồng chí đã dành cho mẹ suốt những ngày qua. Gia đình gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Thống Nhất đã tận tình chăm sóc bà những ngày cuối đời. Cảm ơn ban tổ chức lễ tang đã tận tình, chu đáo mọi việc.

“Tình cảm, sự quý trọng của mọi người dành cho mẹ sẽ còn mãi mãi trong lòng chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Hòa xúc động nói. Hướng về người mẹ đã khuất, bà Nguyễn Thị Hòa gọi: “Mẹ ơi… Mọi người cùng các con cháu của mẹ đang ở đây với mẹ, cùng tưởng nhớ về mẹ. Chúng con, chúng cháu luôn nhớ mẹ và thương mẹ nhiều lắm”.

Sau lễ truy điệu, các đồng chí lãnh đạo và gia quyến đã thực hiện lễ di quan, cùng đưa linh cữu đồng chí Ngô Thị Huệ lên xe tang, rời Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam về nơi an nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố (TP Thủ Đức, TPHCM). Đoàn xe di chuyển linh cữu đồng chí Ngô Thị Huệ đi ngang Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và nhà riêng đồng chí.

Ngay từ sáng sớm, rất đông cán bộ, công nhân viên của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và người dân dọc tuyến đường Võ Thị Sáu (quận 3) đã có mặt sẵn để đợi tiễn đưa đồng chí Nguyễn Thị Ngỡi (Ngô Thị Huệ, Bảy Huệ), về nơi an nghỉ cuối cùng.
Chị Nguyễn Thị Bích Huệ (cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) chia sẻ, dì Bảy Huệ là người có công rất lớn trong sự hình thành và phát triển của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Dì đóng vai trò cố vấn, tham mưu trong các hoạt động của bảo tàng. "Dì Bảy Huệ sống rất tình cảm nên khi nghe tin dì mất, cán bộ, công nhân viên bảo tàng buồn lắm", chị Huệ xúc động nói. Đoàn xe tang cũng đưa linh cữu cô Bảy Huệ ngang qua nhà riêng ở đường Võ Trường Toản (quận 3).

Gần một thế kỷ hoạt động không mệt mỏi

Đồng chí Ngô Thị Huệ sinh ngày 22-6-1918 tại xã Mỹ Quới, huyện Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), trong gia đình có truyền thống cách mạng, mang nặng tình yêu quê hương, đất nước. 15 tuổi, đồng chí giác ngộ cách mạng, hoạt động bí mật tại quê nhà. 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng.

Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 5 Đại diện nhiều cơ quan ban ngành, đoàn thể đã đến đưa tiễn người cán bộ lão thành cách mạng kiên trung về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sau 2 năm phấn đấu và trưởng thành, đồng chí lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ: Huyện ủy viên Huyện ủy Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ, phụ trách huyện Châu Thành. Năm 1940, khi mới 22 tuổi, đồng chí là Liên Tỉnh ủy viên Liên Tỉnh ủy Hậu Giang (gồm 5 tỉnh miền Tây Nam bộ), sau đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; cùng với cấp ủy trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và tham gia chuẩn bị cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Khởi Nghĩa Nam kỳ thất bại, đồng chí bị bắt giam tại Sài Gòn, một năm sau thì phải xử trắng án và đưa về quản thúc tại quê nhà ở xã Mỹ Quới.

Đầu năm 1942, đồng chí bắt được liên lạc với Mặt trận Việt Minh thuộc Thành ủy Sài Gòn. Tại đây, đồng chí là một trong những cán bộ chủ chốt liên lạc giữa Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Liên Tỉnh ủy Tiền Giang với Thành ủy Sài Gòn, để chuẩn bị cho việc thành lập Xứ ủy Nam kỳ lâm thời lúc bấy giờ.

Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 6 Dì Bảy Huệ là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ cán bộ, người dân noi theo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tháng 8 năm 1942, trên đường đi công tác, đồng chí bị địch bắt lần thứ 2 và bị tòa xử kết án tù chung thân khổ sai, giam tại khám Chí Hòa.

Tháng 3 năm 1945, tận dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, đồng chí cùng một số cán bộ phá khám, giải thoát cho đa số tù chính trị, nhưng đồng chí Ngô Thị Huệ thì bị kẹt lại, không thoát kịp. Đến tháng 6 năm 1945, đồng chí cùng với các đồng chí còn lại trong tù tiếp tục vận động, thuyết phục một số lính Nhật và đã thoát khỏi nhà tù trở về Bạc Liêu tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 8 năm 1945, đồng chí tham gia Tỉnh ủy Bạc Liêu, trực tiếp xây dựng đoàn thể Phụ nữ Cứu quốc, được bầu làm Trưởng đoàn Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bạc Liêu và tham gia cướp chính quyền tại đây.

Tháng 1 năm 1946, đồng chí được Tỉnh ủy Bạc Liêu giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, được phân công củng cố tổ chức Hội Phụ nữ hai tỉnh Sóc Trăng và Bến Tre bấy giờ.

Tháng 4 năm 1947, tại Hội nghị Thành ủy Sài Gòn mở rộng, đồng chí được bầu làm Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn. Năm 1948, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Thành ủy và được phân công nhiệm vụ xây dựng cơ sở đảng ở các chợ Sài Gòn.

Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 7 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban tang lễ, rải cát tiễn đưa Dì Bảy Huệ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Năm 1952, đồng chí được điều động về cơ quan Hội Phụ nữ Nam bộ, sau đó công tác tại Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7 năm 1954, đồng chí được phân công trở lại Sài Gòn phụ trách Trưởng Ban Phụ vận Thành ủy, trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và tham gia củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng cho đến năm 1958 phụ trách Phụ vận Xứ ủy.

Tháng 10 năm 1959, đồng chí được cử ra Hà Nội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III; sau đó được ở lại học văn hóa và lý luận chính trị tại Trường Cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương I.

Từ năm 1965, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Vụ trưởng Vụ Quản lý Cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí được giao nhiệm vụ đặc trách công tác xây dựng Đảng và là Tổ trưởng Tổ Công tác cán bộ TPHCM.

Tiễn đưa dì Bảy Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng ảnh 8 Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, TPHCM cùng gia quyến đã dành một phút mặc niệm tiễn đưa đồng chí Ngô Thị Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV.

Từ năm 1979, đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nhưng do yêu cầu công tác của thành phố lúc bấy giờ, đồng chí tiếp tục được phân công hỗ trợ Thành ủy về công tác xây dựng Đảng, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ thuộc Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.

Tháng 10 năm 1982, đồng chí xin nghỉ công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy, dù bị di chứng của chiến tranh, cơ thể nhiều lúc bị đau đớn nhưng đồng chí vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa quan trọng như: tham gia Tổ Tổng kết lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ (tháng 10 năm 1982), nghiên cứu biên soạn và xuất bản cuốn sách “Lịch sử Phụ nữ Nam Bộ thành đồng”; tham gia xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ - tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (năm 1985); là thành viên sáng lập và là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự của Hội từ tháng 5 năm 1994 cho đến nay. Từ năm 2000 đến năm 2001, là Phó Chủ tịch Hội đồng Tổng kết “Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ”. Từ năm 2002 đến năm 2011, đồng chí là Thường trực Hội đồng Chỉ đạo biên soạn “Lịch sử Nam bộ kháng chiến”.

Với những công lao, cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí nhiều phần thưởng cao quý:

- Huân chương Hồ Chí Minh,

- Huân chương Độc lập hạng Nhất,

- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất,

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất,

- Huân chương Lao động hạng Nhất,

- Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc,

- Huy hiệu Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ,

- Huy hiệu Vì sự nghiệp bảo tồn Văn hóa dân tộc,

- Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng,

- Cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.

Trước khi đưa dì Bảy Huệ về với đất mẹ, ông Đoàn Hữu Thành thay mặt gia đình đọc thư của một người cháu không thể về tiễn biệt bà. "Bà ơi, những ngày qua thực sự khó khăn đối với con. Những kỷ niệm của 4 anh em tụi con với bà cứ ùa về. Giá như lần về vừa rồi con có thể ở bên bà lâu hơn, ôm hôn bà thêm một tí xíu nữa. Bà ơi! Giờ đây con không thể gọi hay nghe tiếng bà nữa, nhưng hình ảnh và giọng nói của bà vẫn luôn mãi trong tim và ký ức của con. Bà yên lòng bà nhé, về với ông và cậu Linh nữa, thương bà nhiều lắm...".
Tại lễ an táng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước cùng gia quyến đã dành một phút mặc niệm tiễn đưa đồng chí Ngô Thị Huệ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tin cùng chuyên mục