Tiền đề xây dựng đô thị sáng tạo

TPHCM sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo trên cơ sở kết nối Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) và trung tâm hành chính (quận 2). Nếu thiết kế thích hợp, 3 khu vực này sẽ tương tác với nhau tạo thành hạt nhân sáng tạo của TPHCM bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM hướng về Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM hướng về Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một lộ trình 
Ý tưởng xây dựng đô thị sáng tạo được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khởi xướng từ cuối năm 2017 dựa trên đặc thù và nguồn lực sẵn có của TP.
Về hình thức, đó là mô hình phát triển đô thị công nghệ cao, thông minh, kết nối các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao. Đặc biệt, tại đây sẽ hình thành một hệ sinh thái thuận lợi nhằm đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức trẻ địa phương. Thực hiện chủ trương đó, TP đã giao quận Thủ Đức phối hợp với các sở ngành liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM). Cùng với đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM được giao chủ trì, phối hợp với ĐHQG-HCM rà soát, nghiên cứu Đề án quy hoạch Khu Đông Bắc TP thành khu đô thị sáng tạo.
Đánh giá tiềm năng của khu vực này, tại Hội thảo quốc tế “Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM - Thảo luận một lộ trình chiến lược” diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay: Quận 9 hiện có khu công nghệ cao, lớn thứ nhì cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư. Quận Thủ Đức có 12 trường ĐH, trung tâm ĐHQG sáng tạo nhất cả nước. Hai quận này tạo nên hai cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Đây cũng sẽ là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ở đó, mọi công việc liên quan tới người dân và doanh nghiệp đều thông qua công nghệ thông tin. 
Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG-HCM, dựa trên nhận thức đô thị sáng tạo là một chủ đề mới, nhóm nghiên cứu của ĐHQG-HCM đã bắt đầu tiếp xúc và thảo luận với các đối tác cả trong và ngoài nước. Mục tiêu đầu tiên là hình thành một khung nghiên cứu cho đề tài. Mục tiêu thứ hai hướng đến và thực hiện song song là tổng hợp lại các nghiên cứu tổng thể về TPHCM và riêng khu Đông TP. Quá trình tổng hợp này không chỉ là thu thập tài liệu, công trình nghiên cứu, mà còn xây dựng một mạng lưới học giả - những người có kinh nghiệm thực tế về chủ đề này từ quy hoạch đô thị, kinh tế phát triển, pháp luật đến giáo dục ĐH, công nghệ thông tin. 
Đầu tư kết nối “cứng”, mở rộng kết nối “mềm”
Các chuyên gia nhìn nhận, trong xây dựng khu đô thị sáng tạo cần nhìn thấy vai trò đang có của Khu Công nghệ cao TP. Không chỉ về giá trị xuất-nhập khẩu, số lượng doanh nghiệp toàn cầu có mặt tại đây mà còn là chỉ số về giá trị gia tăng. Như trước năm 2011, phần giá trị gia tăng trong cấu thành của giá trị sản xuất tạo ra tại Khu Công nghệ cao chỉ đạt bình quân khoảng 10% - 12%, xấp xỉ như ở các khu công nghiệp cả nước.
“Trong xây dựng đô thị sáng tạo và thành phố thông minh, chính quyền TPHCM cam kết sẽ thực hiện đúng vai trò kiến tạo của TP; tạo điều kiện, lắng nghe và chuyển những ý tưởng, góp sức của các chuyên gia thành những hành động. Hành động này được thực hiện bằng nguồn lực tổng thể của TP về nhân lực và tài chính”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Song hiện nay, đã có khoảng 40% doanh nghiệp có giá trị gia tăng trên 25%; một số doanh nghiệp có sản phẩm đã đạt giá trị gia tăng trên 35% (Nanogen, FPT, Digisensor,..). Ước tính giá trị gia tăng trung bình của các sản phẩm sản xuất tại khu đã ở mức 28%. Việc nâng cao hơn nữa chỉ số giá trị gia tăng tại khu sẽ có giá trị kích thích cho sự hoạt động của khu đô thị sáng tạo.
Theo đại diện của ĐHQG-HCM, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Bản thân ĐHQG-HCM từ năm 2014 đã có chủ trương xây dựng Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, làm nền tảng để triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các nhà cách tân và doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng theo mô hình học tập trải nghiệm. Tuy nhiên, hệ sinh thái ITP cần được mở rộng nối kết với hệ sinh thái khởi nghiệp TP và các phân khu chức năng xung quanh.
Trong đó cần kết nối mạnh mẽ hơn với Khu Công nghệ cao hiện hữu và sắp tới là Khu công viên KH-CN tại quận 9 rộng gần 200ha với tổng vốn đầu tư gần 4.300 tỷ đồng, có nhiều phân khu chức năng như khu nghiên cứu thí nghiệm, cải tiến và chuyển giao công nghệ, khu dành cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao với mục tiêu áp dụng triển khai các thành tựu KH-CN mới nhất cũng như nghiên cứu cải tiến. 
Song song đó, các chuyên gia cũng lưu ý cần đầu tư mãnh mẽ các “kết nối cứng” bằng cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và hoàn chỉnh. Bên cạnh việc hình thành khu đô thị sáng tạo mới, TP cũng cần có giải pháp đối với các khu đô thị hiện hữu, thúc đẩy trở thành nơi đáng sống và làm việc hiệu quả; tổ chức các tuyến giao thông thông suốt, trong đó ưu tiên cho việc đi bộ, xe buýt miễn phí, không cho ô tô, xe máy vào khu đô thị sáng tạo.
Những không gian sáng tạo
Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã chú trọng đầu tư hình thành các mô hình khu công viên khoa học (tiền thân cho mô hình đô thị sáng tạo) hay các thành phố nghiên cứu, sáng tạo. Đây là không gian vừa giúp công chúng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên đến vui chơi, khám phá, vừa là nền tảng tạo ra những giá trị tri thức, công nghệ mới. 
Điển hình như thành phố khoa học Tsukuba - một thành phố tương đối mới nằm ở phía Tây Nam quận Ibaraki, Nhật Bản. Tsukuba được xác định là hạt nhân tiên phong trong những tiến bộ về nghiên cứu cơ bản của xứ sở Phù Tang, cũng là nơi khởi nguồn cho rất nhiều kết quả nghiên cứu đẳng cấp thế giới về khoa học và kỹ thuật. Để làm được điều đó, Tsukuba được chính phủ quy hoạch là thành phố vệ tinh của Tokyo, hình thành dựa trên việc di dời trụ sở của một loạt viện nghiên cứu từ Tokyo để giải tỏa áp lực dân số, đồng thời giúp thúc đẩy nền khoa học và công nghệ (KH-CN) của Nhật Bản. Nhiều tuyến đường lớn cũng được đầu tư xây dựng tại thành phố này nhằm tăng tính kết nối liên vùng. Cùng với quy hoạch đô thị, Tsukuba đẩy mạnh trao đổi nghiên cứu với các khu vực khác ở Nhật Bản và nước ngoài. Tsukuba cũng là một trong những khu vực trọng điểm của thế giới về hợp tác liên ngành với chính phủ trong nghiên cứu cơ bản. Hiện nay, tại thành phố này, các dự án nghiên cứu phục vụ dân sinh chiếm đến 40% ngân sách phát triển của toàn nước Nhật. 
Daejeon được giới thiệu là một trong 5 thành phố lớn của Hàn Quốc, ngã tư của các tuyến giao thông chính và chỉ cách thủ đô Seoul 50 phút bằng tàu cao tốc. Nơi đây được coi là “Thung lũng Silicon của châu Á”, với hơn 200 viện nghiên cứu lớn từ các tập đoàn công nghệ như Samsung, LG, các trường đại học Daejeon, Hannam hay Viện nghiên cứu KH-CN KAIST. Điểm hay ở Daejeon là sự kết hợp giữa khoa học và du lịch. Như công viên Expo chẳng hạn. Đây là công viên giải trí duy nhất của Hàn Quốc được xây dựng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành KH-CN hiện đại. Du khách đến với thành phố này có thể kết hợp thăm các phòng thí nghiệm khoa học cũng như tham gia nhiều chương trình, lớp học và các hoạt động vui chơi, giải trí để tìm hiểu thêm về các công trình KH-CN tiêu biểu của Hàn Quốc. 
Tại Cộng hòa Liên bang Đức, Jena được biết đến là thành phố sinh viên, với tỷ lệ 27.000 sinh viên/109.000 dân (thống kê năm 2015). 2 cơ sở nghiên cứu khoa học lớn nhất tại Jena là 2 trường Đại học Tổng hợp Friedrich - Schiller (FSU Jena) và Đại học Khoa học ứng dụng Ernst - Abbe (EAH). Việc nghiên cứu và học tập tại đây được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Một trong những thế mạnh của Jena về nghiên cứu là quang học với các công ty nổi tiếng toàn thế giới như Carl-Zeiss, Jenoptik hay Shott Werke. Jena cũng được chính phủ quy hoạch mang tính kết nối cao, khi nằm trên 2 trục giao thông lớn là A9 (nối Berlin - Muenchen) và A4 (nối trục Đông - Tây). Bên cạnh đó, những lợi thế về địa hình đồi núi bao quanh kết hợp mạng lưới cây xanh che phủ dày đặc biến Jena trở thành “trái tim xanh nước Đức”. Năm 2009, Jena được vinh danh là thành phố khoa học trên toàn nước Đức.
Ngoài ra, trên thế giới cũng hình thành khá nhiều thành phố học thuật với hình thức tương tự. Chẳng hạn như thành phố Oxford được biết đến như là đô thị đại học lâu đời nhất trong cộng đồng các quốc gia nói tiếng Anh. Thành phố Palo Alto nổi tiếng là ngôi nhà của Đại học Stanford; đặc biệt phải kể tới Thung lũng Silicon - trung tâm công nghệ và khởi nghiệp của Hoa Kỳ.
LÊ HOÀI QUỐC - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM

Tin cùng chuyên mục