Tiền đề tiêu thụ nông sản thời kỳ 4.0

Truy xuất nguồn gốc chính là nền tảng cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế 4.0. Với lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng các nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế. 
Tiền đề tiêu thụ nông sản thời kỳ 4.0

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định, cần xây dựng được hệ thống truy xuất sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối hệ thống ở các cấp để số hóa chuỗi giá trị các sản phẩm hàng hóa.

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy phạm, pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc và đang tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy truy xuất nguồn gốc, thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia đang được Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia xây dựng, dự kiến ra mắt cuối năm 2022. Trên thực tế, việc truy xuất nguồn gốc những năm gần đây đã từng bước góp phần giúp doanh nghiệp trong chuyển đổi số, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Quá trình này cũng đã tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời gian thực, giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và thực thi chiến lược, chính sách, kế hoạch.

Truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản; góp phần gia tăng giá trị nông sản của các địa phương, giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Quá trình này sẽ giúp nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam vào thị trường có giá trị cao, để việc đàm phán mở cửa hàng nông sản vào các thị trường khác được thuận lợi, khẳng định được chất lượng với người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục