Tích hợp, phân vai trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có những tác động rõ nét đến TPHCM. Ngập úng đô thị là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất sau mỗi trận mưa trên địa bàn thành phố. Không chỉ gây ngập úng đô thị, BĐKH cũng đang gián tiếp tác động đến nhiều ngành nghề khác của TPHCM như giao thông, nông nghiệp, năng lượng, du lịch...
Nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè góp phần khơi thông dòng chảy, giảm ngập úng khi triều cường
Nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè góp phần khơi thông dòng chảy, giảm ngập úng khi triều cường

Nhiều ngành nghề dễ bị tổn thương

Theo Bộ TN-MT, TPHCM là một trong những thành phố lớn trên thế giới chịu nhiều tác động của BĐKH. Nghiên cứu đã chỉ ra nhiều ngành nghề, lĩnh vực ở thành phố rất dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Đơn cử như ngành năng lượng. Hệ thống chuyển tải điện bao gồm cả hạ thế và cao thế, là cơ sở hạ tầng quan trọng của ngành điện, sẽ bị BĐKH tác động trực tiếp do bão, ngập úng, nhiệt độ cao. Nước biển dâng gây ra triều cường làm gia tăng năng lượng tiêu hao cho tiêu thoát nước ở các vùng thấp.

Ngoài ra, tăng nhiệt độ, nắng nóng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện cho việc làm mát. Những đợt nắng nóng xuất hiện nhiều hơn tạo ra nhiều hơn những sự cố cho nguồn phát, mạng chuyển tải điện. Nhu cầu nước cho công nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng do quá trình tăng năng suất. Những khó khăn trong việc cung cấp nước do BĐKH cũng sẽ là những tác động đáng lưu ý đối với lĩnh vực công nghiệp như công nghệ chế tạo, công nghệ dệt, công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản.

Không dừng lại đó, BĐKH đã và đang tác động đến ngành xây dựng của thành phố. Sự gia tăng của thiên tai như bão, lốc, lũ lụt… sẽ tác động đến công tác quy hoạch và thiết kế, tổ chức thi công, làm tăng giá thành các công trình xây dựng. BĐKH có thể dẫn tới thay đổi khí hậu và đặc điểm khí hậu của các vùng. Một số tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như tiêu chuẩn ngành về xây dựng sẽ có những biến đổi nhất định. Nước biển dâng dẫn đến nhiều thay đổi cho việc quy hoạch và tu bổ các công trình trên biển, vùng ven biển và các khu vực thấp. BĐKH sẽ tác động tới tính tiện nghi, tính hữu dụng, sức chịu tải, độ bền, độ an toàn của các công trình được thiết kế. Theo điểm đánh giá thì ngành xây dựng tại huyện Củ Chi sẽ chịu tác động của BĐKH ở mức cao nhất, tiếp đó là các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, TP Thủ Đức và huyện Nhà Bè.

Kết quả nghiên cứu của Bộ TN-MT cho thấy mức tác động cao nhất theo tuần tự là huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức (khu vực quận Thủ Đức cũ) và huyện Củ Chi. Ngành nông nghiệp có tỷ lệ tác động chiếm 35%, nhưng theo cơ cấu ngành chỉ chiếm 0,67% tỷ trọng kinh tế, do vậy tỷ lệ tác động của BĐKH có xét đến cơ cấu kinh tế của ngành chỉ còn 2%. Đối với ngành dịch vụ thì ngược lại, mặc dù tỷ lệ tác động của ngành chỉ chiếm 17%, tuy nhiên tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 61,65% nên tỷ lệ tác động của BĐKH có tính đến cơ cấu kinh tế của ngành đạt 63%. Thứ tự tác động của BĐKH đến các ngành có xét đến tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế từ cao đến thấp là ngành dịch vụ, ngành công nghiệp, ngành xây dựng và cuối cùng là nông nghiệp.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo đánh giá của Sở TN-MT TPHCM, mặc dù thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch hành động, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn nhất định. Lĩnh vực BĐKH là lĩnh vực mới, liên quan đến nhiều ngành nên việc tích hợp vào quản lý ngành còn hạn chế. Việc phối hợp với các sở, ban ngành còn nhiều hạn chế do hệ thống quản lý hành chính còn bất cập, thiếu linh hoạt gây khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ. Đặc biệt hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống thiên tai chưa phù hợp với tình hình thực tiễn dẫn đến sự chồng chéo, chỉ phân công cụ thể cho Sở TN-MT trong việc ứng phó về động đất, sóng thần (các thiên tai khác liên quan khí tượng thủy văn thì thuộc Ban chỉ huy phòng chống thiên tai) nên ảnh hưởng công tác quản lý. Trong khi đó, công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương vẫn chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao; thành phố tập trung công tác tuyên truyền, vận động là chính, chưa có kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực chuyên ngành.

Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức kiến thức về BĐKH, quản lý phát thải khí nhà kính, các hành động giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chủ động phòng tránh thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác, nghiên cứu đánh giá khí hậu và xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030; kiểm kê khí phát thải nhà kính 2 năm/lần. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành, tỉnh thành triển khai công tác thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, TPHCM tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai (hợp tác với TP Osaka, Nhật Bản thực hiện dự án cảnh báo mưa; chương trình phát triển thành phố carbon thấp; hợp tác với tổ chức C40, JICA...).

Tin cùng chuyên mục