Tích cực thực hiện chương trình giảm quá tải bệnh viện

Sáng 19-1, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành y tế năm 2018 và Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. 

Tới dự và chủ trì tại hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo các sở y tế, bệnh viện, đơn vị y tế tại hơn  700 điểm cầu tỉnh/thành phố và tuyến huyện/xã.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong năm qua, ngành y tế tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó có giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Qua khảo sát chỉ số PAPI cho thấy các bệnh viện, đặc biệt là tuyến huyện đã có thay đổi lớn về chất lượng dịch vụ, người dân đã hài lòng hơn với các dịch vụ y tế. Mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng đến tất cả 63 tỉnh/thành phố của cả nước với 22 bệnh viện hạt nhân và 117 bệnh viện vệ tinh (98 bệnh viện tỉnh, 15 bệnh viện huyện, 4 bệnh viện tư nhân, tăng 19 bệnh viện vệ tinh so với năm 2016), thực hiện hiệu quả chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện hạt nhân nên 85% số bệnh viện vệ tính đã giảm dần tỷ lệ chuyển tuyến.

Tích cực thực hiện chương trình giảm quá tải bệnh viện ảnh 1 Nhiều BV tuyến trung ương vẫn trong tình trạng quá tải 

Bộ Y tế cũng thực hiện lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm và mở rộng số bệnh viện thực hiện Đề án lưu trữ và truyền tải hình ảnh qua mạng (PACS - không dùng phim) để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hiện có 7 bệnh viện được phê duyệt đề án, sắp tới có khoảng 10 bệnh viện tiếp tục thực hiện; chấn chỉnh việc quản lý các hoạt động dịch vụ thuê ngoài, công tác an ninh, an toàn cho bác sỹ và người bệnh. Tiếp tục ban hành quy trình kỹ thuật của các chuyên khoa như: gây mê hồi sức, tiêu hóa chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh. Đến nay đã hoàn thành xây dựng 6.389/17.216 hướng dẫn quy trình kỹ thuật là các kỹ thuật có tỷ lệ sử dụng nhiều. Các bệnh viện đã tích cực xây dựng các phác đồ điều trị cho các bệnh thường gặp của bệnh viện. Trong đó, các bệnh viện TPHCM đã có kho phác đồ điều trị với trên 2.000 các phác đồ khác nhau.

Tích cực thực hiện chương trình giảm quá tải bệnh viện ảnh 2 Người bệnh đi viện phải phải nằm ghép tới 2-3 người một giường

Đáng chú ý, các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên tính chung trên toàn quốc, các bệnh viện mới đạt 2,75/5 điểm, trong khi đạt được 3/5 điểm mới là mức khá. Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, với mức điểm trên của các bệnh viện là mức chất lượng “chấp nhận được” trong bối cảnh Việt Nam.

Cùng với đó, việc khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế đang được triển khai mạnh mẽ và bước đầu đã đạt kết quả tốt, giúp bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để cải tiến chất lượng. Nhiều bệnh viện đã triển khai hệ thống khảo sát trực tuyến sự hài lòng của người bệnh, sau 1 năm triển khai đã có trên 1 triệu phiếu khảo sát với kết quả cho thấy tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt 75,6%, người bệnh ngoại trú đạt 66,3%.

Bộ Y tế cũng tự đánh giá hiện nay chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng, người dân chưa tin tưởng nên vượt tuyến trên. Hầu hết cơ sở y tế mới chỉ chủ yếu tập trung vào chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Thiếu các cơ sở chăm sóc sức khỏe người già, các bệnh không lây nhiễm, các cơ sở nghiên cứu y sinh học. Thủ tục khám, chữa bệnh BHYT một số nơi còn phiền hà. Thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ chưa tốt. An ninh, trật tự an toàn bệnh viện chưa được bảo đảm. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong một số cơ sở còn hình thức, lợi thế của y dược cổ truyền chưa phát huy tốt.

Tích cực thực hiện chương trình giảm quá tải bệnh viện ảnh 3 Người bệnh mỗi lần đi  khám chữa bệnh phải xếp hành chờ đợi mất rất nhiều thời gian và công sức
Trước thực trạng trên, năm 2018, Bộ Y tế đặt mục tiêu đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, phấn đấu 100% bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành phố tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện. 

Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, hệ thống tổ chức nhằm tăng cường quản lý chất lượng khám chữa bệnh. Thành lập được tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập đối với dịch vụ khám chữa bệnh và thực hiện đánh giá chứng nhận chất lượng cho các bệnh viện. Trên 20% số bệnh viện tuyến tỉnh tiến hành đo lường và công bố chỉ số chất lượng vào năm 2018. Tiếp tục chấn chỉnh tinh thần, thái độ phong cách phục vụ người bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh, với mục tiêu 80% các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc đo lường và tự công bố chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ sự nghiệp y tế công do đơn vị cung cấp. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; Trên 50% số bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên thực hiện được chế độ một cửa đối với một số thủ tục hành chính trong bệnh viện.

Tin cùng chuyên mục