Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước làm chết hơn 25ha rừng do đo đạc, kiểm tra thực tế thiếu chính xác

Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước làm chết hơn 25ha rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc cũng liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân từ khâu thực hiện các bước khảo sát, lập hồ sơ tư vấn, thiết kế ranh giới lòng hồ đến việc giám sát, thẩm định…

Diện tích từng bị chết do tích nước thủy điện

Ngày 3-5, nguồn tin của Báo SGGP Online cho biết, công an vẫn đang điều tra vụ Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước làm chết hơn 25ha rừng từ Chi cục kiểm lâm Kon Tum chuyển hồ sơ qua.

Trong vụ việc nói trên, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chủ đầu tư Thủy điện Thượng Kon Tum) thuê Công ty Cổ phần đo đạc và bản đồ viễn thám (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) làm đơn vị tư vấn đo đạc lập bản đồ địa chính và cắm mốc ranh giới vùng ngập nước phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty cho rằng, việc xử lý số liệu trên bản đồ số, dùng phương pháp nội suy và công tác kiểm tra, đối chiếu, kiểm chứng thực tế tại hiện trường không chính xác dẫn đến khi vận hành lòng hồ, tích nước xảy ra tình trạng nước lòng hồ ngập ra khỏi ranh giới được phép thu hồi, chuyển đổi, gây úng làm cây rừng chết. 

Nguyên nhân là khi khảo sát, khu vực lòng hồ có địa hình phức tạp, khe suối chia cắt mạnh, hiện trạng rừng rậm, cộng với thời tiết mưa nhiều, khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường. Đồng thời, máy móc phục vụ cho việc xác định vị trí và đo đạc không được hiện đại dẫn đến sai sót trong quá trình tính toán diện tích, ranh giới thu hồi.

Cơ quan chức năng xác định, trách nhiệm gây hậu quả thiệt hại về rừng do ngập nước lòng hồ thuộc về Công ty Cổ phần đo đạc và bản đồ viễn thám trong quá trình đo đạc, khảo sát xử lý số liệu giữa bản đồ số và kiểm chứng thực tế ngoài hiện trường; Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh trong việc ký kết hợp đồng, nghiệm thu thành quả đối với hồ sơ tư vấn, thiết kế; các tổ chức, cá nhân trong việc giám sát, thẩm định hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt đối với diện tích thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Cũng theo cơ quan có liên quan, qua kết quả điều tra, thu thập chứng cứ, xác định việc tích nước làm chết rừng gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các bước khảo sát, lập hồ sơ tư vấn, thiết kế ranh giới lòng hồ đến việc giám sát, thẩm định các báo cáo kỹ thuật và hồ sơ có liên quan. 

Tin cùng chuyên mục