Thụy Điển - “Thung lũng Silicon” giải pháp bền vững

Trong nhiều năm qua, Thụy Điển tập trung đầu tư phát triển các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường. Cùng với chính sách đầu tư cởi mở, Thụy Điển đã xây dựng thành công hệ sinh thái gồm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sạch.
Nhà máy sản xuất pin của Northvolt tại Thụy Điển
Nhà máy sản xuất pin của Northvolt tại Thụy Điển

Trong hệ sinh thái này có Northvolt, một doanh nghiệp phụ trách sản xuất pin ô tô điện cho các hãng ô tô lớn châu Âu. Northvolt được xem là yếu tố giúp châu Âu có cơ hội phá vỡ sự thống trị của các nhà cung cấp pin của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Kể từ ngày được 2 cựu giám đốc điều hành của Tesla thành lập cách đây 6 năm, Northvolt đã huy động được gần 8 tỷ USD từ hàng chục nhà đầu tư bao gồm Goldman Sachs và Volkswagen AG. Công ty đã ký hợp đồng trị giá 55 tỷ USD với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu. Vào tháng 5, Northvolt đã bắt đầu giao những sản phẩm đầu tiên từ nhà máy tại Skellefteå.

Dự kiến đến năm 2026, Northvolt sẽ có 4.000 nhân viên làm việc tại nhà máy, sản xuất đủ pin mỗi năm để cung cấp năng lượng cho 1 triệu ô tô và có thêm 2 nhà máy khác được xây dựng gần Gothenburg và miền Bắc nước Đức.

Trên bờ biển phía Tây của Thụy Điển, Công ty Heart Aerospace mới thành lập được 4 năm đang chế tạo máy bay điện theo đơn đặt hàng của 2 hãng hàng không United Airlines và Air Canada. Ở Stockholm, công ty khởi nghiệp X Shore cũng đang phát triển một tàu chạy bằng pin trị giá 99.000 USD. Heart Aerospace được quỹ Bill Gates, một trong số các nhà đầu tư lớn, hậu thuẫn. Công ty này có kế hoạch thành lập nhà máy tại một sân bay gần Gothenburg. Hiện công ty nhận được 230 đơn đặt hàng máy bay điện 30 chỗ từ 3 hãng hàng không. Heart Aerospace đặt mục tiêu bắt đầu giao hàng vào năm 2028. 

Trong khi đó, vào tháng 7, công ty khởi nghiệp về sản xuất thép Green Steel tiến hành xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ USD sử dụng điện tái tạo ở phía Bắc TP Boden, một phần trong nỗ lực khử carbon đối với một trong những ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất. Công ty Einride cũng phát triển xe tải điện cho nhà sản xuất sữa thuần chay Oenta Group. Hồi tháng 6, Einride đã được cấp phép thử nghiệm phương tiện giao hàng không người lái trên đường tại Mỹ.

Những công ty này cùng hàng chục công ty khác đã biến Thụy Điển trở thành trung tâm đổi mới hướng đến mục tiêu giao thông xanh bền vững, với tỷ lệ đầu tư công nghệ tính trên đầu người nhiều nhất ở châu Âu. Lực lượng lao động có tay nghề cao, vốn đầu tư nhiều cho các dự án khí hậu và khả năng tiếp cận dồi dào với năng lượng tái tạo đã giúp đất nước 10 triệu dân trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sạch. Theo nhận định của ông Christian Levin, Giám đốc điều hành Công ty Sản xuất xe tải điện Scania, Thụy Điển đã trở thành một “Thung lũng Silicon” về các giải pháp bền vững. Doanh nghiệp Thụy Điển không còn phải chạy sang các quốc gia khác nữa. 

Một thách thức đối với tham vọng của Thụy Điển là năng lượng. Phần lớn các nguồn tài nguyên thủy điện và gió của nước này nằm ở phía Bắc, nhưng lưới điện của quốc gia lại không đủ tiêu chuẩn để đưa điện đến các khu tập trung dân cư ở phía Nam. Những quy định nghiêm ngặt về môi trường cũng như sự phản đối tại các địa phương đồng nghĩa với việc có thể mất nhiều năm để các công ty có được giấy phép xây dựng những nhà máy mới. Tuy nhiên, những lo ngại trên có thể giảm bớt khi Chính phủ Thụy Điển tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào cuối thập niên tới và đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2045.

Tin cùng chuyên mục