Thương chiến Mỹ - Trung Quốc: Lối thoát lại tắc?

Theo WSJ, các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã gặp khó khăn bởi sự miễn cưỡng từ Bắc Kinh trong việc tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. 
Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tháng 10 thấp hơn tháng trước đó 0,6%
Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tháng 10 thấp hơn tháng trước đó 0,6%

Trong khi dư luận đang hy vọng vào những bước nhượng bộ sắp được thực thi để hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, thì Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14-11 tuyên bố, việc Mỹ bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là một điều kiện quan trọng để hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Chưa đủ lòng tin 

 Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận chuyên sâu về giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại. Đồng thời nhấn mạnh rằng mức độ bãi bỏ thuế quan sẽ “phản ánh đầy đủ” tầm quan trọng của một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Điều kiện của Trung Quốc được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi tờ The Wall Street Journal (WSJ) ngày 13-11 dự báo một khúc mắc mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc, khiến thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ không thể đạt được. 

Theo WSJ, các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã gặp khó khăn bởi sự miễn cưỡng từ Bắc Kinh trong việc tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố vào tháng trước rằng Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý về một thỏa thuận “giai đoạn 1” để điều chỉnh lại cuộc chiến thương mại vốn bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, tuy nhiên các chi tiết cuối cùng đã chứng minh rằng tham vọng của hai bên khó có thể hoàn thành.

Tổng thống Donald Trump ban đầu nói rằng Trung Quốc đã đồng ý một thỏa thuận về việc mua 40 - 50 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong hơn 2 năm, song Trung Quốc không chịu cam kết cụ thể về số lượng nông sản họ sẽ mua của Mỹ trong văn bản thỏa thuận. 

Theo WSJ, những bất đồng tương tự như trên từng làm xáo trộn các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước trong quá khứ do đôi bên chưa đủ lòng tin. Còn theo CNBC, Mỹ đang đòi hỏi Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn nữa liên quan đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn cưỡng ép chuyển giao công nghệ trước khi có thể dỡ bỏ một số thuế. 

Cùng ngày 14-11, Cơ quan Hải quan Trung Quốc thông báo nước này sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với các sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu của Mỹ và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Mặc dù theo hãng tin Reuters, quyết định dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu thịt gia cầm của Mỹ đã được Bắc Kinh công bố trong các cuộc đàm phán thương mại gần đây giữa hai nước, nhưng  theo đánh giá của giới quan sát, thỏa thuận giai đoạn 1 vẫn có khả năng đổ vỡ giống như trong các vòng đàm phán trước.

Trước đó, ngày 12-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại, song cảnh báo Washington sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh nếu đôi bên không đạt được một thỏa thuận cụ thể.

Những dấu hiệu suy giảm của 2 nền kinh tế

 Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc liên tục leo thang khiến cho nền kinh tế của hai quốc gia này tiếp tục chao đảo, theo các số liệu mới nhất. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 14-11 công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy sự giảm sút mạnh về chi tiêu tiêu dùng, sản xuất của các nhà máy cũng như đầu tư của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. 

Do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trong quý 3-2019 chỉ đạt mức tăng trưởng 6% - mức yếu nhất trong gần 3 thập niên qua. Trong tháng 10, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng trước. Nhà phân tích Martin Lynge Rasmussen thuộc Hãng Tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cảnh báo, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không chỉ suy yếu trong tháng vừa qua, mà tình trạng suy yếu sẽ còn được phản ánh trong thời gian tới. Ông dự kiến Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell kêu gọi quốc hội nước này hành động để giải quyết tình trạng nợ công và thâm hụt tăng, nhằm đảm bảo đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế quốc gia. Thâm hụt ngân sách Mỹ đã gần đạt đến ngưỡng 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2019, dù nền kinh tế đang tăng trưởng và lãi suất rất thấp.

Theo số liệu chính thức, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 3 đã chậm lại, từ 2,5% trong quý trước xuống còn 1,9%, một phần vì cuộc đình công kéo dài 40 ngày ở tập đoàn sản xuất ô tô General Motors và các cuộc tranh cãi thương mại làm giảm đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng tới xuất khẩu và sản xuất.

Tin cùng chuyên mục