Thương các cháu bé bất hạnh

Đằng sau cánh cổng Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (số 153 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM) là cả một thế giới hoàn toàn tách biệt với nhịp sống hối hả bên ngoài.

 


Nơi đây đang tiếp nhận và nuôi dưỡng 360 trẻ mồ côi, khuyết tật, trong số đó có hơn 300 trẻ bị các chứng bệnh liên quan đến thần kinh, bại não, như: não úng thủy, não nhỏ, gồng cứng hay loạn dưỡng cơ…
Thương các cháu bé bất hạnh ảnh 1 May tã, quần áo chăm sóc cho các cháu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè
 Giành giật với tử thần

Lúc chúng tôi đến, các cô đang bận rộn lo cho các cháu ăn. Có cô đang thay các tấm trải giường. Có hai chú đang tập vật lý trị liệu cho các cháu. Chúng tôi không khỏi đau lòng khi lâu lâu lại nghe tiếng hét thất thanh của một cháu nào đó. Thế là các cô chạy đến vuốt tay, vuốt chân, vuốt ngực dỗ dành. Cô Hà, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, cho biết: “Tại đây có nhiều cháu bị bệnh động kinh. Khi lên cơn, các cháu la hét, chân tay co quắp lại. Ban ngày là vậy, ban đêm tiếng la hét còn nghe lớn hơn”.  

Mỗi cháu nằm một giường đẩy, có tấm trải giường và nệm sạch tinh tươm. Tùy theo bệnh trạng mà giường ngắn hay dài. Tất cả đều không thể vận động chân tay theo ý muốn. Cháu nào cũng quấn tã quanh người. Các cháu bị não úng thủy với chiếc đầu to và chân tay khẳng khiu, nằm yên nhìn chúng tôi. Các cháu bị não nhỏ hay bại não, tay chân quơ quào, miệng méo xệch, nước dãi ròng ròng. Dù bệnh não nặng hay nhẹ, các cháu vẫn còn đôi mắt khá tinh anh, hấp háy nhìn chúng tôi như muốn chào hỏi. Cô Hà, khom người ôm một bé gái vào lòng và đưa tay bẹo má cháu, hỏi: “Bé Nhi ăn cơm chưa? Chào chú đi con!”. Bé Nhi quặt quẹo nghiêng người nũng nịu áp sát vào cô Hà, miệng ú ớ, khó nhọc giơ cánh tay khua khua, vẫy vẫy. Cô Hà rơm rớm nước mắt nói thật nhỏ: “Cũng như các cháu ở cái phòng chăm sóc đặc biệt này, bé Nhi vào đây từ lâu rồi. Đây là căn phòng mà bình quân mỗi tháng có 2 cháu từ giã chúng tôi. Chúng tôi đang giành giật từng giây phút cho sinh mệnh các cháu”. 

Các cô chú bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nhân viên bảo vệ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đều gọi các cháu ở đây là con. Sinh ra trên đời, ai cũng được cha mẹ đặt cho một cái tên, các cháu ở đây cũng được đặt cho những cái tên rất đẹp. Có nhiều “con đường” để đến Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, trong đó có 3 “con đường” chính: các cháu khuyết tật ngay khi chào đời đã bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện; các cháu được chính quyền địa phương phát hiện gửi vào; và các cháu bị cha mẹ bỏ ngay trước cổng trung tâm. Khi xưa, cô chú nào bồng cháu về thì được quyền đặt tên mang họ của mình, nay phần đông các cháu mang họ của lãnh đạo trung tâm, họ Nguyễn. 

Trông chờ những tấm lòng nhân ái

Thật tội nghiệp khi các cháu đã đến đây từ cổng chính, nhưng rồi gần 80% phải đi ra bằng cổng phụ. Đó là khu vực phòng tang lễ rất trầm mặc ở phía sau trung tâm, tách bạch với phòng nghỉ, sân chơi của các cháu. Nhiều cháu phải mất sớm như vậy không phải vì không được chăm sóc chu đáo, mà vì các cháu đã mang sẵn trong người những căn bệnh nghiệt ngã. Các cô chú ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè là những người có tấm lòng nhân ái rất đáng khâm phục. Bởi lẽ, trông nuôi, chăm sóc một trẻ em bình thường, khỏe mạnh đã khó, huống chi ở đây là những trẻ khuyết tật bẩm sinh, đang cận kề với cái chết. Trước khi vào đây, các cháu đã phải mang trên mình căn bệnh trầm kha, nhưng các cô chú vẫn quyết tâm chăm sóc, cứu chữa. Có nhiều cháu bị khiếm thị, khiếm thính, cụt chi… đã được các cô chú hướng dẫn, tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng, trở về xã hội có công ăn việc làm ổn định.

Trên đường đi tham quan trung tâm, chúng tôi đã bắt gặp những hình ảnh nhói lòng. Cháu Hưng nhỏ thó, quắt queo, người nhiều vết nám, đang nằm trên xe đẩy, tay ôm khư khư cái gối. Cô Hà cho biết: “Các cháu ở đây khó đoán tuổi lắm. Cháu Hưng bị suy thận, trước đây, mỗi tuần 3 lần chúng tôi đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để chạy thận. Nay cháu đã qua tuổi nhi đồng, phải chuyển về Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Do cây kim để lọc thận lớn hơn, nên cả ngày cháu thường có biểu hiện đau đớn”. Thương nhất là các cháu bị dị tật bẩm sinh đã điều trị một thời gian dài ở bệnh viện. Lần giở những tấm ảnh các cháu được lưu giữ trên trang Zalo của mình, cô Hà dừng lại khá lâu ngắm nghía một tấm ảnh rồi bật khóc. Đó là một cháu trai khoảng 8 tháng tuổi. Cháu có sống mũi cao, nụ cười rạng rỡ và đôi mắt tinh anh. Cô Hà sụt sùi cho biết: “Cháu vui vẻ, nghịch ngợm, đáng yêu lắm, nhưng khi sinh ra đời cháu không có hậu môn và bị hẹp thực quản. Khi chuyển về trung tâm cháu vẫn còn phải mang kè kè một ống thoát phân. Nếu được phẫu thuật trước khi đưa về trung tâm, cháu sẽ được chăm sóc tốt hơn. Cháu đã ra đi cách đây vài tháng!”.

Cái khó hiện nay là chi phí bảo trợ cho các cháu không đủ, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đã tổ chức vận dụng mọi nguồn. Từ chắt chiu quỹ lương, dè sẻn chi tiêu, cho đến tận dụng, sửa chữa xe, giường, vá lại chăn mền, tã lót… Bao nhiêu đó vẫn chưa đủ, trung tâm còn cần tiếp nhận đủ thứ, từ thuốc động kinh cho đến quần áo, vải vóc để may tã, trái cây, gạo, rau quả, sữa, đường để lo cái ăn, cái mặc cho các cháu. Các cháu mồ côi, khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đang rất trông chờ sự quan tâm hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái.

Tin cùng chuyên mục