Thuốc diệt cỏ: Độc hại, nhưng vẫn dùng?

Trong khi tòa án bang California (Hoa Kỳ) vừa có phán quyết thuốc diệt cỏ là thủ phạm gây ung thư cho 1 người làm vườn ở nước này, thế nhưng, tại hội thảo về thực trạng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam tổ chức chiều 28-8 tại Hà Nội, các chuyên gia lại khẳng định: việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam hiện nay là bất đắc dĩ, không tránh được!

Thuốc trừ cỏ đang được sử dụng tràn lan Ảnh: VĂN PHÚC
Thuốc trừ cỏ đang được sử dụng tràn lan Ảnh: VĂN PHÚC

Lạm dụng tràn lan 

Theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam Hồ Xuân Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều và khó kiểm soát. Danh mục thuốc BVTV ở Việt Nam hiện nay có 217 hoạt chất với 664 tên thương phẩm đăng ký phòng trừ cỏ dại trên các loại cây trồng và đất trồng trọt. Thuốc diệt cỏ dùng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó thuốc diệt cỏ dùng trên lúa là nhiều nhất (do diện tích đất trồng lúa hiện nay lên tới 7,8 triệu ha, chiếm 52,5% tổng diện tích đất trồng trọt).

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 - 700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc diệt cỏ (19.000 tấn), thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn). Còn theo số liệu của Viện Tài nguyên môi trường quốc tế, khối lượng hoạt chất thuốc BVTV sử dụng trên 1ha cây trồng/năm ở Việt Nam còn cao hơn một số nước trong khu vực. Trong khi tại Việt Nam là 2kg/ha thì ở Thái Lan là 1,8kg/ha; tại Bangladesh là 1,1kg/ha; tại Senegal là 0,2kg/ha…

Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho rằng, khó khăn, thách thức nhất trong quản lý thuốc diệt cỏ ở Việt Nam hiện nay là sản xuất manh mún, số lượng người sử dụng tiếp xúc trực tiếp với thuốc diệt cỏ nhiều, trong khi hiểu biết kỹ thuật, nhận thức về trách nhiệm của người sử dụng thuốc hạn chế. Mặt khác, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc quá nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo; vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm đúng mức; thiếu cán bộ và cơ chế tư vấn lựa chọn, sử dụng thuốc.

Không có lựa chọn nào khác?

Mặc dù độc hại cho cả sức khỏe người nông dân sử dụng và người tiêu dùng (nếu nông sản có dư lượng thuốc vượt mức cho phép), ảnh hưởng môi trường nhưng tại hội thảo, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở Việt Nam là không thể khác được. Theo quan điểm của ông Bùi Văn Kịp - CropLife Việt Nam (tổ chức quốc tế hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận với phương châm ứng dụng khoa học vào nông nghiệp), bản chất thuốc diệt cỏ không gây hại nếu sử dụng đúng. “Thời gian trung bình để có được một sản phẩm thuốc BVTV mới, trong đó có thuốc diệt cỏ, từ giai đoạn nghiên cứu, cấp phép đến khi ra thị trường hiện nay là 11 năm với tổng chi phí khoảng 286 triệu USD. Điều này cho thấy giai đoạn nghiên cứu và phát triển rất khắc nghiệt nhằm đảm bảo sản phẩm cuối cùng là hiệu quả, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường”, ông Kịp nói.  

Thừa nhận thuốc diệt cỏ gây độc hại cho môi trường và sức khỏe nếu bị lạm dụng, song ông Nguyễn Xuân Hồng cũng khẳng định: “Nếu không có các sản phẩm thuốc diệt cỏ hóa học, gần một nửa sản lượng nông nghiệp sẽ bị thiệt hại, khoảng 40% - 45%. Thêm vào đó, nếu chỉ sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng thuốc diệt cỏ hóa học, nông dân sẽ phải trả chi phí gấp 20 lần cho phòng trừ cỏ dại so với sản xuất thông thường, có sử dụng thuốc diệt cỏ”. Chung góc nhìn, GS-TS Nguyễn Văn Tuất, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nói: “Thuốc diệt cỏ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hiện tại chưa có giải pháp nào thay thế thuốc trừ cỏ hóa học ngay tại các khu vực canh tác phát triển như châu Âu, từ hiệu quả tới chi phí. Việt Nam cũng đưa vào thử nghiệm nhiều phương pháp quản lý cỏ dại thay thế nhưng vẫn chưa thể áp dụng đại trà do giá thành đắt, hiệu quả thấp”.

Một trong các giải pháp được đưa ra là phải hạn chế, cắt giảm số lượng thuốc diệt cỏ tại Việt Nam, thay thế bằng các phương thức diệt cỏ sinh học, cơ giới hay làm cỏ thủ công... Nhưng TS Nguyễn Trường Thành, nguyên Trưởng Bộ môn thuốc, cỏ dại và môi trường (Viện Bảo vệ thực vật), cho rằng: “Nếu sử dụng các biện pháp cũ như làm cỏ thủ công, nông nghiệp hữu cơ chỉ có thể sản xuất ra 1/3 lượng lương thực như hiện tại. Sử dụng hóa chất là điều bắt buộc để có thể sản xuất đủ lương thực hiện tại”. 

Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, sử dụng và sống chung với thuốc diệt cỏ là việc bất đắc dĩ ở nước ta hiện nay. Vấn đề đặc biệt cấp bách đặt ra là phải siết chặt quản lý từ sản xuất, kinh doanh tới sử dụng thuốc diệt cỏ; đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn cho bà con nông dân… Ông Nguyễn Văn Tuất đề nghị, chỉ sử dụng thuốc diệt cỏ khi thật cần thiết và lựa chọn những loại thuốc có nguồn gốc, thời hạn sử dụng rõ ràng, hiệu lực phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý thuốc theo hướng chặt chẽ và có chế tài đủ sức răn đe; có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu thuốc hóa học.

Tin cùng chuyên mục