Thuế lợi nhuận siêu ngạch ở Đức

Bộ Tài chính Liên bang Đức đang lên kế hoạch đánh thuế lợi nhuận siêu ngạch ở mức 33% đối với các công ty dầu khí của nước này, coi đây là biện pháp phù hợp với quy định mới của châu Âu, giúp hỗ trợ thêm cho ngân sách chính phủ khoảng 1-3 tỷ EUR (1,042-3,12 tỷ USD) hàng năm. 

Theo dự thảo kế hoạch được trình lên Quốc hội, tất cả các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, than đá và nhà máy lọc dầu sẽ là đối tượng chịu mức thuế lợi nhuận siêu ngạch nêu trên. Thuế áp dụng với các công ty đạt lợi nhuận siêu ngạch trong năm 2022 và 2023 cao hơn 20% so với lợi nhuận trung bình từ năm 2018-2021. Khoản thuế này được coi là đóng góp trong cuộc khủng hoảng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) và sẽ được thực hiện vào cuối năm 2022. 

Theo thỏa thuận toàn EU, các nước thành viên có thể áp thuế đối với lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng ít nhất 33%. Hai nước láng giềng của Đức là Áo và CH Czech đã thúc đẩy việc áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng và ngân hàng ở mức 60% trong thời gian 3 năm. Chính phủ CH Czech cũng thông qua việc áp giá trần đối với điện và khí đốt.

Mức thuế lợi nhuận siêu ngạch nêu trên sẽ được áp dụng trong lĩnh vực dầu khí, khác với loại thuế lợi nhuận siêu ngạch trong lĩnh vực điện vốn được áp dụng từ 9-2022 đến ít nhất tháng 6-2023. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng khoản thuế theo kế hoạch khó thực hiện trên quy mô lớn do các công ty có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để hạn chế doanh thu. Theo đảng Xanh, một trong 3 đảng thuộc liên minh cầm quyền ở Đức, mức thu thuế như vậy chưa hợp lý mà nên áp dụng ở mức từ 60%-80% để tiến sát mức thuế lợi nhuận siêu ngạch 90% trong lĩnh vực điện. Các chuyên gia luật thuế cũng cho rằng, quy định về thuế mới có thể gặp vấn đề về mặt pháp lý do vi phạm nguyên tắc chung về bình đẳng giữa các công ty.

Tin cùng chuyên mục