Thuê đất chế biến dược liệu, doanh nghiệp lại sử dụng để kinh doanh điện mặt trời

Việc sử dụng đất của các doanh nghiệp thuê đất tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều vi phạm. Tỷ lệ đưa đất vào sử dụng ở khu công nghiệp còn thấp, sử dụng đất chưa đảm bảo tiến độ, kinh doanh kém hiệu quả. Thậm chí, có doanh nghiệp thuê đất chế biến dược liệu nhưng lại sử dụng đất cho mục đích kinh doanh điện mặt trời…

Thuê đất chế biến dược liệu, doanh nghiệp lại sử dụng để kinh doanh điện mặt trời ảnh 1 Khu Công nghiệp Hoà Bình

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa ký kết luận Tranh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai của các tổ chức được thuê đất tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (QLKKT) quản lý các khu công nghiệp gồm Khu Công nghiệp Hoà Bình, Khu Công nghiệp Sao Mai và Khu Công nghiệp tại khu II (thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y).    

Qua thanh tra, xác định, tỷ lệ đưa đất vào sử dụng tại các khu công nghiệp còn thấp. Minh chứng là tổng diện tích đất quy hoạch để xây dựng nhà máy, xí nghiệp là 132ha, nhưng chỉ cho thuê được hơn 59ha, chiếm khoảng 44,55%. Trong số đó, Khu công nghiệp Sao Mai chỉ cho thuê được hơn 6ha/66ha, chiếm 9,08% trên tổng diện tích quy hoạch để cho nhà đầu tư thuê.

UBND tỉnh Kon Tum xác định, trách nhiệm để xảy ra hạn chế này thuộc về Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế - Ban QLKKT.

Ngoài ra, có 8 doanh nghiệp sử dụng đất tại Khu Công nghiệp Hoà Bình chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư. 

Bên cạnh đó, có đơn vị xây hàng rào, trồng cây lâu năm và cổng bảo vệ công ty nằm ngoài ranh giới đất được thuê, cụ thể là Công ty TNHH Công nghệ hữu cơ sinh học An Thái. Còn Công ty TNHH Thiện Chí Kon Tum xây dựng công trình cổng tường rào trên diện tích đất là đường giao thông nằm giữa 2 lô đất được thuê.

Đặc biệt, có nhà đầu tư sử dụng đất sai mục đích, đó là Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai và Công ty TNHH MTV Phương Phong Linh (ở Khu Công nghiệp Sao Mai). Hợp đồng thuê đất của 2 đơn vị này có mục đích để xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến dược liệu nhưng thực tế sử dụng đất cho mục đích kinh doanh điện năng lượng mặt trời.

Để xảy ra các sai phạm này, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuê đất kém hiệu quả. Trong tổng số 32 dự án của 28 doanh nghiệp tại 3 khu công nghiệp, đến thời điểm thanh tra, có 20/32 dự án không hoạt động, ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 62,5%.

Từ kết luận nói trên, UBND tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương chấm dứt việc cho Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng Khu Kinh tế thuê đất đã được nhà nước đầu tư hạ tầng để cho các doanh nghiệp thuê lại đất tại Khu Công nghiệp Hoà Bình.

UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT chỉ đạo các đơn vị liên quan đến các hạn chế nói trên phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Tin cùng chuyên mục