Thực phẩm khô đang tiêu thụ mạnh

Đáp ứng nhu cầu khách hàng và tránh tình trạng khan hiếm hàng, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống hoặc kênh phân phối hiện đại ở TPHCM đã dự trữ đầy đủ các mặt hàng cung ứng tết. 

Thời điểm này, người tiêu dùng đã bắt đầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm khô, bánh kẹo… chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Hàng hóa phục vụ mua sắm tết đã được người kinh doanh chuẩn bị sẵn sàng
 Hàng tăng, giá ổn định


Dạo quanh các chợ truyền thống như Bà Chiểu (Bình Thạnh), Thủ Đức (Thủ Đức), Phạm Văn Hai (Tân Bình), Thanh Đa (Bình Thạnh)… thời điểm này, các mặt hàng thực phẩm khô như: tôm khô, mực khô, mộc nhĩ, nấm hương, miến… đã được tiểu thương bày bán khắp các sạp. Đối với loại thực phẩm chế biến khô như khô bò, khô mực tẩm ướp gia vị sấy chín và một số loại khô mới bổ sung vào thị trường vài năm trở lại đây như khô gà, cá cơm sấy khô cũng được tiểu thương các chợ nhập hàng về trưng bày và bán buôn. Với tính tiện lợi, các sản phẩm này đều được nhiều gia đình chuẩn bị sẵn để mời khách trong mấy ngày tết.

Một tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ Thanh Đa cho biết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng khô như miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô... được dự báo vẫn tăng đều qua các năm vào dịp tết. Các nguyên liệu này thường được người tiêu dùng chế biến thành các món ăn truyền thống trong các bữa cơm gia đình ngày tết. Tiếp đó, các loại đậu, hạt cũng có sức mua tăng cao hơn ngày thường để chế biến các loại bánh, chè dùng trong những ngày xuân. Do vậy, tiểu thương ở các chợ đều đã dự trữ số lượng lớn các mặt hàng để tránh giá tăng, khan hàng nhằm phục vụ tốt nhu cầu cuối năm của người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, giá bán các loại thực phẩm khô không có nhiều biến động. Sản phẩm phân khúc thị trường cấp cao đều có nhãn mác, bao bì bắt mắt, được hút chân không, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, củ cải sấy khô có giá 180.000 đồng/kg, đậu xanh bóc vỏ 60.000 đồng/kg, mộc nhĩ từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, măng khô loại 1 có giá 200.000 - 300.000 đồng/kg, nấm hương từ 350.000 - 400.000 đồng/kg, miến dong 80.000 - 120.000 đồng/kg, măng lưỡi lợn 450.000 đồng/kg…

Không “ôm hàng” để tránh tồn kho

Tại chợ Bà Chiểu, các sạp kinh doanh bánh mứt, kẹo, thực phẩm khô cũng đã đầy ắp. Theo các tiểu thương chợ này, giáp tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, vì thế họ đã dự trữ một lượng hàng nhất định trong kho để bán cho khách hàng. Tuy nhiên, năm nay lượng bánh kẹo cửa hàng nhập về cũng ít so với mọi năm để tránh tình trạng hàng bị tồn kho sau tết, dẫn đến việc thu hồi vốn chậm.

Theo ban quản lý các chợ, những năm gần đây, kinh tế phát triển, thu nhập ngày càng tăng cao nên người dân có nhu cầu mua sắm tết những mặt hàng chất lượng. Vì vậy, các đại lý, cửa hàng kinh doanh thực phẩm khô chủ yếu dự trữ những sản phẩm chất lượng tốt, có thương hiệu nên giá thành cao hơn một chút. Đơn cử, bánh kẹo dự trữ đều là những mặt hàng có thương hiệu của Hải Hà, Kinh Đô; mứt, trái cây sấy khô đều của các cơ sở sản xuất uy tín, có kiểm chứng, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, lượng hàng dự trữ bán tết cũng chỉ ở mức vừa phải và không “ôm” hàng với số lượng lớn.

Ở góc độ đơn vị có hệ thống phân phối hàng Việt bằng kênh hiện đại lớn nhất Việt Nam, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, không chỉ có kênh phân phối truyền thống dự trữ nguồn hàng phục vụ thị trường tết, các hệ thống phân phối hiện đại là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… cũng chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đa dạng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ tính riêng hệ thống Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng lên đến 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó, để tránh tình trạng khan hiếm hàng ảo và đẩy giá trên thị trường, hệ thống Saigon Co.op triển khai nhiều chương trình giảm giá, trợ giá, bình ổn giá cho người tiêu dùng từ nay cho đến tết. Hiện Saigon Co.op đang áp dụng chương trình mua 1 tặng 1, khuyến mãi giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ tết; ưu tiên quầy kệ cho sản phẩm của các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá…

Thực tế, các chợ truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với kênh bán hàng hiện đại. Lượng lớn khách hàng bị chia sẻ. Các siêu thị đang dần trở thành nơi lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng. Cũng chính từ áp lực cạnh tranh nên tiểu thương tại các chợ cũng đã thay đổi nhiều về cách thức bán buôn. Người bán không còn nói thách giá như xưa và giao tiếp niềm nở hơn để giữ khách hàng. Ngay cả việc lựa chọn hàng hóa cũng cẩn thận hơn, người bán không vì lợi nhuận mà kinh doanh hàng hóa chất lượng kém. Giờ đây, hàng hóa bày bán tại các chợ phần lớn đều có nguồn gốc sản xuất uy tín, chủ yếu các thực phẩm chế biến đóng gói đều của các doanh nghiệp trong nước cung ứng. Do vậy, người tiêu dùng mua sắm tại các chợ cũng rất an tâm, dù đó là ngày có sức mua cao điểm của thị trường.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, đưa ra dự kiến sức mua sẽ tăng từ 23 tháng Chạp và cao điểm là 28 tháng Chạp. Do đó, để đảm bảo công tác phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng, ngoài việc đôn đốc tiểu thương, doanh nghiệp lên kế hoạch dự trữ, các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm cũng được đề cao. Đồng thời, phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Qua nhiều hoạt động sẽ giúp người kinh doanh nâng cao ý thức về việc đảm bảo chất lượng hàng hóa kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục