Thực hiện giảm nghèo giai đoạn mới: Đa dạng chính sách, nguồn lực

TPHCM bắt đầu bước vào giai đoạn giảm nghèo mới (2021-2025) với chuẩn nghèo có điều chỉnh so với trước đây. Dự kiến, chính sách giảm nghèo mới sẽ tác động đến 52.000 hộ nghèo trên địa bàn. 

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, về các giải pháp để thực hiện giảm nghèo căn cơ, bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM
Thu nhập không là tiêu chí xác định hộ nghèo

 
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, bước vào giai đoạn giảm nghèo mới, sự thay đổi trong chính sách giảm nghèo ở TPHCM ra sao?

Ông LÊ MINH TẤN: Từ giai đoạn 2021-2025, TPHCM tiếp tục thiết kế chương trình giảm nghèo bền vững với một số cách làm riêng. Cụ thể, thành phố không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo; thu nhập chỉ được coi là một trong 10 chỉ số về thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều (gồm 5 chiều): thiếu hụt về y tế, giáo dục - đào tạo, việc làm - bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, thu nhập. Trong đó, ngưỡng thiếu hụt thu nhập là 36 triệu đồng/người/năm. Thực tế, chỉ có khoảng 7% số hộ nghèo đa chiều của TPHCM sống dưới mức chuẩn về thu nhập.

Nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn đã được cơ sở sản xuất trên địa bàn phường 9, quận 6 nhận vào làm việc.  Ảnh: MẠNH HÒA
Việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều giúp TPHCM đánh giá được sự chuyển biến về mức sống của người nghèo, xác định đối tượng cần trợ giúp và đánh giá được tác động của chính sách đến người thụ hưởng một cách đầy đủ. Đến cuối năm 2020, TPHCM còn 3.700 hộ nghèo (chiếm 0,13% tổng hộ dân TPHCM) và 15.000 hộ cận nghèo (0,6%). Với chuẩn nghèo mới, TPHCM có khoảng 52.000 hộ nghèo (chiếm 2,44%) và 38.000 hộ cận nghèo (chiếm 1,6%). Mục tiêu đến cuối năm 2025, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới. 


Quy mô nguồn lực giảm nghèo hàng năm vào khoảng 3.300 - 5.500 tỷ đồng, một khoản tiền rất lớn và tác động đến hàng trăm ngàn người. Theo ông, bằng cách nào có thể kiểm tra, giám sát tốt trong quá trình thực hiện giảm nghèo, đảm bảo người nghèo thực sự được thụ hưởng chính sách?  

Kết quả giảm nghèo thời gian qua là câu trả lời rõ nhất về hiệu quả của công tác giảm nghèo. TPHCM có rất nhiều chính sách thiết thực và có nhiều mô hình giảm nghèo tiêu biểu giúp thu nhập người nghèo tăng ổn định, đời sống tinh thần được cải thiện. Chương trình giảm nghèo ở các giai đoạn cũng thường về đích trước hạn.

TPHCM đã và sẽ tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát về quản lý vốn, quản lý danh sách hộ nghèo; về thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo tại quận huyện, phường xã, thị trấn... Danh sách hộ nghèo, cận nghèo tại TPHCM được cập nhật vào cơ sở dữ liệu giảm nghèo, được cấp mã số cụ thể. Việc giám sát được thực hiện theo hình thức tổ chức tiếp xúc trực tiếp với hộ dân, hộ dân được chọn ngẫu nhiên trong danh sách thụ hưởng chính sách. Từ năm 2016-2020, TPHCM đã tổ chức 644 đoàn giám sát, trực tiếp tiếp xúc hơn 30.700 lượt hộ. Ngoài ra, công tác giám sát còn được tổ chức lồng ghép với công tác phúc tra về giảm nghèo. 

Hỗ trợ người nghèo thụ hưởng nhà ở xã hội 

TPHCM đã kết thúc giai đoạn trước với số hộ nghèo còn rất ít. Nay bước vào giai đoạn mới, số hộ nghèo lại phình ra, quy mô tương đương mở đầu các giai đoạn trước. Phải chăng, số hộ thoát nghèo thực sự, không trở lại diện nghèo, là quá ít?

Đúng là thu nhập của hộ thoát mức chuẩn hộ nghèo vẫn còn thấp. Bình quân 80% hộ thoát nghèo chuyển sang hộ cận nghèo. Đầu mỗi giai đoạn giảm nghèo thường có khoảng 5% tổng số hộ dân TPHCM nằm trong diện nghèo và giai đoạn này, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ hộ nghèo mở đầu giai đoạn là 2,44%. Rõ ràng là có sự chuyển biến. Tại TPHCM, thường mỗi chu kỳ 2 năm sẽ có khoảng 6.000 hộ thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững, không trở lại diện nghèo dù có nâng chuẩn. Song, cũng còn không ít hộ dù thoát nghèo mà đời sống vẫn chông chênh, chỉ cần bị một biến cố trong cuộc sống (sức khỏe, công ăn việc làm...) là có nguy cơ tái nghèo. Ý thức về điều đó, nên chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm nghèo một cách bền vững, căn cơ. 

Ở TPHCM, người có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng (mức lương trung bình của người lao động TPHCM) để mua căn hộ 2 tỷ đồng cần tới gần 20 năm không ăn, không tiêu. Cải thiện nhà ở với hộ nghèo là câu chuyện không đơn giản. Vậy để giảm nghèo về nhà ở đối với người nghèo, TPHCM có chính sách gì?

Việc thực hiện chính sách để kéo giảm chiều nghèo về nhà ở là một thách thức lớn của TPHCM. Nghèo về nhà ở được đo lường với điểm cắt là “hộ gia đình đang ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 6m² ở các quận và 10m² ở các huyện ngoại thành. Phần lớn hộ thiếu hụt do thiếu diện tích ở, nên việc giải quyết kéo giảm phải có thời gian và nguồn kinh phí hỗ trợ lớn.

Do chuẩn nghèo của TPHCM cao hơn chuẩn nghèo quốc gia nên hộ nghèo TPHCM không được thụ hưởng chính sách cho vay sửa chữa nhà như chính sách chung của cả nước. Để hỗ trợ hộ nghèo tại TPHCM, thành phố có các hình thức nhà tình thương, cho vay sửa chữa nhà, hỗ trợ sửa chữa nhà... thông qua nguồn vốn quỹ xóa đói giảm nghèo, vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội. Đồng thời, TPHCM cũng nghiên cứu đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người nghèo thụ hưởng nhà ở xã hội (thuê nhà). TPHCM cũng có đồng loạt chính sách hỗ trợ học tập, dạy nghề, giới thiệu việc làm... để thành viên hộ nghèo nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề, có sinh kế ổn định. Đó là các chìa khóa quan trọng, mang tính căn cơ để phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó cải thiện tình trạng nhà ở với đời sống ổn định hơn.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn cho giảm nghèo ở TPHCM giai đoạn 2021-2025 là gần 10.680 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 29 tỷ đồng và vốn huy động từ người dân, cộng đồng là 635 tỷ đồng. Về việc thực hiện chính sách, TPHCM dự kiến dành gần 9.550 tỷ đồng cho vay ưu đãi; hơn 513 tỷ đồng cho các khoản chi không hoàn lại và hơn 22 tỷ đồng cho hoạt động đảm bảo. 

Tin cùng chuyên mục