KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thực hiện dân chủ ở cơ sở và phòng chống bạo lực gia đình: Quy định cần bảo đảm khả thi

Chiều 31-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 31-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Băn khoăn quy định thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp

 Theo dự thảo dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phạm vi “cơ sở” được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là cơ quan, đơn vị); doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (gọi chung là doanh nghiệp), là nơi trực tiếp công khai thông tin, tổ chức lấy ý kiến, thực hiện các quyết định và chịu sự kiểm tra, giám sát của công dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Góp ý về dự thảo luật, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn băn khoăn về tính thả thi của các quy định.

ĐB Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, sau gần 20 năm thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân chủ cơ sở, chúng ta đã luật hóa, đó là điều rất đáng mừng. Hiện nay, điều kiện để thực hiện luật này là rất thuận lợi, do chủ trương của Đảng rất rõ ràng, cả về cơ sở lý luận và thực tiễn. ĐB đề nghị thể chế hóa rõ hơn quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách cụ thể, rõ ràng, nhất là về nội dung “dân thụ hưởng”. 

ĐB Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị cần cấm hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; bổ sung chế tài xử phạt với những hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Đồng thời, bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông tin lại cho người dân những nội dung nào tiếp thu, nội dung nào không tiếp thu sau khi người dân góp ý kiến; trách nhiệm về giải trình của cơ quan có thẩm quyền với dân, với báo chí…

Về quy định về thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp, nhiều ĐBQH cho rằng, đây là vấn đề khó thực hiện, nên cần làm rõ, để làm sao luật ra đời thì khả thi, không phải ban hành cho có. ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cho rằng, chỉ nên tập trung thực hiện ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, phòng chống tham nhũng.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, cho rằng, dân chủ ở cơ sở là vấn đề từng người dân, từng tổ chức quan tâm. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn việc thực hiện ở doanh nghiệp. ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu câu hỏi: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có làm không, có bắt buộc họ phải làm không, việc này cần có khảo sát ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động, hiệp hội doanh nghiệp, sau đó ghi rõ trong luật, không nói chung chung. 

Là cơ quan chủ trì soạn thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục đích của dự án luật này là nhằm thể chể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Có đến hơn 20 luật có liên quan đến vấn đề dân chủ ở cơ sở, nên phải tính toán khoa học để không trùng lắp, chồng chéo với các luật khác, không vi phạm các cam kết quốc tế, đồng thời bảo đảm dễ thực hiện, nếu không, luật sẽ không khả thi.

“Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp nhà nước, các khu vực doanh nghiệp khác thì không. Bản soạn thảo đưa vào dự thảo như vậy để lấy ý kiến ĐBQH. Có thể tính toán để thực hiện ở mức độ nhất định ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mà bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói. Quan điểm của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà là không nên chỉ thực hiện ở doanh nghiệp nhà nước.

Nhiều quy định phòng chống bạo lực gia đình khó khả thi

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tại đoàn TPHCM, các ý kiến đề nghị xem xét lại quy định việc đưa người bị bạo lực gia đình đi tạm lánh. ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn nơi ở của họ khi phải tạm lánh.

“Thực tế, người bị bạo lực thường phải đi khỏi nhà, trong khi họ đã bị tổn thương rất nặng nề; đề nghị người bạo lực phải ra khỏi nhà. Người cần được bố trí tạm lánh là người bạo lực chứ không phải người bị bạo lực”, ĐB Nguyễn Thị Lệ phát biểu. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho biết, đoàn TPHCM đã có 2 hội thảo về dự thảo luật này, nhiều ý kiến nêu tại sao người bị bạo lực phải ra khỏi nhà của mình, còn người có hành vi bạo lực lại ở trong ngôi nhà đó, mà trong nhiều trường hợp ngôi nhà đó lại chính người bị bạo lực bỏ tiền mua hoặc thuê. “Quan điểm là cần bảo vệ người yếu thế. Đoàn TPHCM có chung kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục có nghiên cứu về vấn đề này”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu ý kiến. 

Một số ĐBQH cho rằng, có những quy định trong dự thảo luật sẽ khó khả thi. ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) ví dụ quy định giao công an xã xử lý, yêu cầu người có hành vi bạo lực đến trụ sở công an làm việc, nếu không đến thì công an có quyền đưa đến trụ sở công an trong 6 giờ. Điều này giống như áp giải tội phạm, dễ xâm phạm quyền công dân, quyền con người. Hay quy định cấm người có hành vi bạo lực tiếp xúc người bị bạo lực trong 50m cũng không khả thi.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, bạo lực gia đình dễ nói nhưng thể hiện, thể chế thành công cụ pháp luật thì không dễ. Ví dụ bạo lực thể xác, kinh tế có thể nhận ra được, nhưng bạo lực tinh thần thì không hề đơn giản, và khu trú ra bằng các biểu hiện bên ngoài như thế nào để lượng hóa hết cho đầy đủ không dễ, dù đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân.

Vấn đề bạo lực tình dục cũng tế nhị, ít được đề cập đến, nên khó nói được hết những gì cần phải nói. Các bà vợ gây sức ép bắt các ông chồng phải đi làm cho có thật nhiều tiền, phải lên chức nọ chức kia thì có phải hình thức bạo lực gia đình không?

“Cơ quan soạn thảo dự luật đã bắt đầu từ Hiến pháp 2013 - đó là quyền con người, tiếp đến là dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng gia đình, coi gia đình là tế bào xã hội, là gốc để hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức để nhận diện, đưa vào dự thảo luật 18 hành vi được quy vào bạo lực gia đình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Tin cùng chuyên mục