Thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ: Đảm bảo đúng, trúng đối tượng và sớm nhất

“Nghị quyết của Quốc hội về gói chính sách tài khóa, tiền tệ mới là “giấy thông hành”. Còn có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động của Chính phủ”, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhận định trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP. 
GS-TS Hoàng Văn Cường
GS-TS Hoàng Văn Cường

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ngay đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng. Ông nhận định ra sao về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và triển vọng năm 2022? 

- GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Năm 2021, kinh tế Việt Nam trải qua một năm đầy sóng gió và nhiều thách thức cam go. Tuy vậy, nhìn lại những thành quả đã đạt được của năm 2021, chúng ta cũng thấy nhiều thành quả đáng ghi nhận - những nền tảng khá tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022. Kinh tế thế giới đang phục hồi mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp ước thương mại lớn với thị trường các nước phát triển như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và tới đây là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng như quan hệ song phương với nhiều thị trường lớn. 

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế vừa được Quốc hội thông qua có ý nghĩa rất quan trọng để đưa kinh tế Việt Nam vượt lên, không lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới.

* Ông có thể diễn giải thêm về ý nghĩa “trụ cột” của chính sách tài khóa? 

 - Chính sách vừa thông qua với tổng nguồn lực hỗ trợ trực tiếp 346.000 tỷ đồng (nếu tính cả phần lãi suất của các khoản được giãn, hoãn đóng thì nguồn lực hỗ trợ lên đến trên 400.000 tỷ đồng), lớn hơn nhiều lần so với các gói hỗ trợ chúng ta đã triển khai trước đây. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ như các năm trước về giãn, hoãn, nghĩa là tạm thời chưa thu vào ngân sách nhà nước (NSNN), lần này sự hỗ trợ trực tiếp thông qua các chính sách giảm các khoản thu vào NSNN và tăng nguồn lực đầu tư các nguồn. Nếu trước đây chúng ta tập trung giảm thuế trực thu (như thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, khủng hoảng), thì lần này, giảm thẳng vào thuế gián thu, ở đây là thuế giá trị gia tăng (GTGT). 

Bên cạnh đó, chúng ta có gói hỗ trợ lãi suất 2%, thực hiện theo cách thức “chọn bỏ”, tức là chỉ quy định ai không được hưởng, còn lại đều nghiễm nhiên được hưởng. Chính sách vừa công khai, minh bạch, phù hợp với thực tế hơn, vừa giúp việc triển khai các gói hỗ trợ thuận lợi hơn. Với cách làm kể trên, hầu hết người dân và phần lớn doanh nghiệp đều được hưởng các chính sách hỗ trợ vì giảm thuế GTGT, thì cứ ai đi mua hàng hóa tiêu dùng đều được hưởng lợi từ giảm thuế. Giảm lãi suất cũng vậy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn đều được hưởng hỗ trợ lãi suất, do đó, mức độ lan tỏa của chính sách hỗ trợ là rất lớn.

* Gói hỗ trợ lớn thường mang theo kỳ vọng rất lớn, nên câu chuyện làm sao thực hiện một cách “đúng và trúng” luôn được đặt ra. Theo ông, cần lưu ý gì trong quá trình thực hiện? 

 - Tôi cho rằng có 2 điểm cần quan tâm. Thứ nhất, phải đưa chính sách đi vào cuộc sống sớm nhất có thể. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách được thực thi càng sớm, càng kịp thời, thì càng hiệu quả. Trong đó, các thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được hưởng thụ. 

Thứ hai, khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát thì tiến hành rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Như tôi đã nói, cách thiết kế chính sách lần này chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ - số này rất ít, việc kiểm soát không quá khó khăn. Tuy vậy, nếu không cẩn trọng thì sẽ có tình trạng cùng nhóm đối tượng, nhưng có người tiếp cận được dễ dàng và được hỗ trợ nhiều, có người không tiếp cận được hoặc được hỗ trợ không đáng kể. Đơn cử gói hỗ trợ lãi suất. Chính phủ chỉ bỏ ra 40.000 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cấp bù 2% lãi suất, nhưng lại tác động đến 2 triệu tỷ đồng tiền vốn vay của doanh nghiệp được hưởng lãi suất thấp. Nếu không khéo thì những hộ kinh doanh gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không đáp ứng đủ điều kiện cho vay theo các nguyên tắc tín dụng truyền thống sẽ bị loại. 

Chính vì thế, thay vì kiểm soát bằng các điều kiện tín dụng, ngân hàng cần phải đồng hành với doanh nghiệp; phải xem doanh nghiệp vay tiền để làm gì, mua hàng, mua nguyên vật liệu thì ngân hàng có thể trả tiền trực tiếp cho bên mua để doanh nghiệp nhận nguyên vật liệu về sản xuất, sau đó theo dõi quy trình sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm để thu ngay đồng tiền bán hàng và quay vòng. Như vậy, ngân hàng sẽ quản lý cho vay thông qua quản lý dòng tiền thay bằng tài sản hay thế chấp. Với công nghệ số thì bất kể dòng tiền nào từ ngân hàng đầu tư ra cho doanh nghiệp, chảy đi đâu, đến doanh nghiệp nào, chúng ta đều biết được; đảm bảo dòng tiền đáp ứng đúng và trúng mục đích hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế chứ không chảy vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản, đầu tư tài chính.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn rằng, nghị quyết của Quốc hội mới chỉ là “giấy thông hành”, còn có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động của Chính phủ trong việc giao trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực để triển khai cụ thể.

Tin cùng chuyên mục