Thúc đẩy xuất khẩu qua Cảng quốc tế Long An

Cảng quốc tế Long An nằm trong nhóm cảng biển loại 1 cùng với 14 cảng khác trên cả nước. Để phát huy hết công năng của cảng đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của tỉnh Long An và vùng ĐBSCL rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng tính cạnh tranh, ngành chức năng Long An đang hoàn thiện hạ tầng nhằm phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Cảng quốc tế Long An hỗ trợ doanh nghiệp nhiều dịch vụ vận chuyển, xuất nhập khẩu
Cảng quốc tế Long An hỗ trợ doanh nghiệp nhiều dịch vụ vận chuyển, xuất nhập khẩu

Cảng quốc tế Long An hiện đã bốc xếp nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu như phân bón, thức ăn gia súc, sắt thép, hàng nông sản... Đặc biệt, trong thời gian qua, đã hình thành tuyến logistics đường thủy vận chuyển hàng hóa từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải về, nhằm rút ngắn thời gian giao nhận hàng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ khi cảng đi vào hoạt động đến nay, rất ít doanh nghiệp chuyển hàng về đây để xuất nhập khẩu. Trong khi đó, Long An có hơn 1.500 doanh nghiệp trong 16 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu, nhưng đa phần doanh nghiệp giao dịch tại Tân cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Long An, cho hay, cảng đã hoàn thiện chứng nhận ISO 9001:2015, chuyên nghiệp hóa về quản lý và cung cấp những giải pháp logistics trọn gói cho doanh nghiệp. 

Cảng quốc tế Long An có diện tích 147ha, được đầu tư 3 giai đoạn với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng, gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 tấn; có bến sà lan, hệ thống nhà kho, kho ngoại quan, hệ thống bãi container và các công trình phụ trợ khác. Đặc biệt, hệ thống kho phục vụ lưu trữ hàng lên đến hơn 400.000m², có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng hóa nông thủy sản, phân bón, sắt thép của khu vực ĐBSCL. 

Trước thực trạng trên, Sở Công thương tỉnh Long An đang làm cầu nối để doanh nghiệp kết nối với Cảng quốc tế Long An nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh; đáp ứng kịp thời nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia xuất nhập khẩu tại cảng không bị ách tắc giao thông, tỉnh Long An đã đầu tư hạ tầng từ các huyện kinh tế trọng điểm của tỉnh về cảng. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công thương Long An, thông tin, tỉnh đang tiến hành các bước thành lập Khu kinh tế biển kết nối với cảng; đồng thời có kế hoạch phối hợp với TPHCM nạo vét đường sông để tiếp nhận tàu 70.000 DWT…

Mới đây, khi đến khảo sát tại Cảng quốc tế Long An, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định, Cảng quốc tế Long An không chỉ phục vụ cho tỉnh, mà phải mở rộng phục vụ cho cả vùng ĐBSCL, kết hợp với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương... Do đó, tỉnh Long An cần phát triển giao thông đường thủy để phục vụ vận chuyển hàng hóa thuận lợi nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn giao thông đường bộ, tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển.

Tin cùng chuyên mục