Thúc đẩy thực hiện Đề án 06: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án số 06) đang trong giai đoạn thực hiện cao điểm, các bộ, ngành, địa phương đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, không ít đơn vị bắt đầu thấy vướng mắc, cần có sự phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng. 

Cơ sở hạ tầng chuyển đổi số ở mức thấp

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thực hiện Đề án 06 vừa được tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên theo hình thức trực tuyến tới các địa phương, bộ, ngành trong cả nước mới thấy việc thúc đẩy CĐS phục vụ đời sống người dân, doanh nghiệp đang gặp những vướng mắc cơ bản, mặc dù các bộ, ngành, địa phương hết sức chủ động, cố gắng trong triển khai. 

Những con số mà đại diện Bộ TT-TT nêu ra tại hội nghị cho thấy, hiện trạng công nghệ thông tin (CNTT) cần thiết của bộ, ngành để triển khai Đề án 06 vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Khắc Lịch (Bộ TT-TT), hiện nay trong việc kết nối hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh điện tử ở các bộ, ngành mới chỉ có 6/20 cơ quan đáp ứng được hạ tầng (đạt 30%); hệ thống giải quyết thủ tục hành chính hiện chỉ có 5/20 cơ quan đáp ứng được; trang thiết bị phục vụ bộ phận một cửa hoạt động ở cấp tỉnh chỉ 3/20 cơ quan đáp ứng; kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, hệ thống định danh xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích hiện nay mới chỉ có 8/20 cơ quan cấp bộ được đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin cho cơ sở dữ liệu kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống xác thực định danh điện tử hiện mới có 3/20 cơ quan đạt yêu cầu. Đặc biệt, hệ thống mạng, đường truyền của các tỉnh thành để thực hiện Đề án 06 tới nay mới có 37/62 tỉnh thành đáp ứng được; hệ thống thông tin để giải quyết thủ tục hành chính mới cũng chỉ có 29/62 tỉnh thành đạt yêu cầu; trang thiết bị phục vụ bộ phận một cửa chỉ 16/62 địa phương đạt yêu cầu…

Việc CĐS sẽ ảnh hưởng rất lớn nếu các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Lý giải về con số thấp trên, ông Lịch cho rằng, hiện nay các thành phần CNTT thiết yếu ở các địa phương đang rất lớn, trong khi địa phương không tự thực hiện được mà phải thông qua mua sắm hoặc thuê dịch vụ để thực hiện. Mặc dù vậy, để triển khai đảm bảo đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian. 

Thúc đẩy thực hiện Đề án 06: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm ảnh 1 Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Đắk Lắk cấp thẻ CCCD gắn chip cho ngưới dân dân. Ảnh: Do Bộ Công an cung cấp

Nêu ra những khó khăn trong CĐS của ngành y tế, ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế, cho biết, quá trình làm sạch dữ liệu của người dân để phục vụ hộ chiếu vaccine đang gặp khó khăn, dù các địa phương có thể xử lý được nhưng chưa làm.

Điển hình như, tính tới ngày 29-9, có 17 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm chưa nhập được lên hệ thống, trong khi số liệu tiêm tăng hàng ngày. Cũng theo ông Duy, Bộ Y tế dự kiến sẽ đề xuất có quy định bắt buộc sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh. 

Trong khi đó, ông Đỗ Chí Dũng, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ LĐTB-XH nêu quan điểm, để liên thông trong thực hiện CĐS giữa các bộ, ngành, vấn đề làm sạch dữ liệu chuyên ngành, đồng bộ dữ liệu phục vụ các tiện ích là mấu chốt, trong đó việc chi trả an sinh xã hội cho những đối tượng thường xuyên cũng cần tính tới.

“Khi Bộ Công an cấp tài khoản an sinh xã hội cho người dân, chưa chắc đã thực hiện chi trả được ngay, bởi cần có sự liên thông dữ liệu giữa các ngành, các đơn vị với nhau”, đại diện Bộ LĐTB-XH cho hay. 

Chuyển đổi số bằng việc làm, mục tiêu cụ thể

Qua ý kiến trao đổi, thảo luận của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện triển khai Đề án 06, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về CĐS, nhấn mạnh, đề án là cụ thể hóa công cuộc CĐS quốc gia. Để thực hiện tốt, các bộ, ngành quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “CĐS là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, công việc cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt việc đó, không chung chung, dàn trải”. 

Theo Phó Thủ tướng, trong 5 nhóm công việc với 17 nội dung mà các địa phương cần quan tâm thực hiện thời gian tới, người đứng đầu cần quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện đề án tại địa phương mình. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các địa phương rà soát văn bản pháp luật cần sửa đổi để thực hiện đề án, đặc biệt là giải quyết những vướng mắc trong quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú.

Trước mắt, để đảm bảo các điều kiện thực hiện Luật Cư trú về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau 31-12-2022, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành… không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; thay vào đó sử dụng CCCD gắn chip, số định danh cá nhân, xác nhận thông tin nơi cư trú… 

Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thành kết nối phần mềm liên thông 2 thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng để triển khai thí điểm ở Hà Nội, Cần Thơ, Thái Nguyên và Hà Nam trong tháng 10-2022. Các địa phương chỉ đạo cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn triển khai phần mềm của Bộ Y tế về khám sức khỏe để thực hiện dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe của Bộ GTVT, hoàn thành trước 31-10-2022.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Công an phối hợp với các tỉnh nhân rộng sử dụng CCCD gắn chip thay thế thẻ ngân hàng trong giao dịch, trước mắt phấn đấu đến ngày 30-10 có 100% ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, TPHCM, Thái Nguyên triển khai giải pháp này.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, sắp tới Bộ Công an sẽ chỉ đạo công an cơ sở rà soát theo từng nhóm vấn đề để tìm cách giải quyết những nội dung liên quan khi thực hiện Đề án 06. Trên cơ sở đó, các địa phương, bộ, ngành cần phối hợp với Bộ Công an để làm sạch dữ liệu chuyên ngành mà các địa phương, bộ, ngành đang cần. Từ đó, dữ liệu được làm sạch và nuôi sống dữ liệu tại cơ sở trở lên. 

Tin cùng chuyên mục