Thúc đẩy thực hiện các sáng kiến xây dựng Cộng đồng kinh tế tự chủ tự cường

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, yêu cầu thúc đẩy thực hiện các sáng kiến xây dựng Cộng đồng kinh tế tự chủ tự cường, ủng hộ ASEAN chủ động ứng phó, kiểm soát hiệu quả đại dịch đi đôi với khôi phục nền kinh tế; thúc đẩy phê chuẩn các thỏa thuận kinh tế khu vực, nhất là sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực trong năm 2020 và mở rộng phát triển quan hệ với các đối tác bên ngoài ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng tại Phiên họp toàn thể thứ Nhất
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng tại Phiên họp toàn thể thứ Nhất

Ngay sau Lễ khai mạc, Đại hội đồng AIPA 41 đã tiến hành Phiên họp toàn thể thứ Nhất dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân dưới hình thức trực tuyến.

Là người mở đầu phần thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Brunei Pehin Dato Abdul Rahman Taib gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vì sự lãnh đạo tuyệt vời, cảm ơn Quốc hội Việt Nam vì những cam kết sâu sắc giúp AIPA có thể tổ chức Đại hội đồng lần thứ 41 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Nhìn nhận chủ đề của Đại hội đồng mang tính thời sự cao trong bối cảnh các nước trong khu vực đang đối mặt với những thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19 và đều đang nỗ lực thích nghi với hiện trạng bình thường mới, Chủ tịch Quốc hội Brunei cho rằng, điều quan trọng là phải duy trì cách tiếp cận hướng về tương lai và thích nghi một cách cẩn trọng để bảo đảm tính tiếp nối các công việc của AIPA bằng cách duy trì tinh thần đoàn kết trong đa dạng của ASEAN.

Ông nói: “Tôi tin rằng AIPA sẽ hỗ trợ ASEAN vượt qua thách thức, phản ứng một cách hiệu quả trước tương lai sắp tới. Các Quốc hội thành viên AIPA cần thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan thông qua việc khuyến khích trao đổi kinh nghiệm kịp thời về việc giải quyết các hậu quả của dịch Covid-19. Các đại biểu Quốc hội cần đánh giá đúng các thách thức của đại dịch và đưa ra các biện pháp kịp thời để bảo vệ lợi ích người dân, đặc biệt là các thành viên yếu thế nhất”. Người đứng đầu Quốc hội Brunei khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các Quốc hội thành viên AIPA giải quyết các thách thức của toàn cầu, khu vực thông qua đối tác và ngoại giao để đạt được các mục tiêu chung, vì lợi ích của người dân.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin bày tỏ quan tâm đến việc thiết lập Quỹ thích ứng với Covid-19 của ASEAN gần đây. Theo ông, phòng chống Covid-19 cần có nguồn tài chính đáng kể cũng như vật tư, nhân lực và các nước cần chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong vận động, kêu gọi các nguồn lực, cũng như kêu gọi sự tham gia đóng góp của các thể chế, các tổ chức đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân vì lợi ích của toàn xã hội. Chủ tịch Quốc hội Campuchia nhận định: “Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải đoàn kết hơn để thúc đẩy việc nối lại dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và người dân giữa các nước trong khu vực. Đến nay, ASEAN đã duy trì được chuỗi cung ứng hàng hóa, giải quyết những nhu cầu thiết yếu nhất trong giai đoạn này”.

Bày tỏ quan tâm đến sáng kiến của Việt Nam về hoạt động của các nghị sĩ trẻ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia cho biết, Quốc hội Campuchia luôn khuyến khích các nghị sĩ trẻ tham gia vào các hoạt động của AIPA. “Các nghị sĩ trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển quốc gia và xây dựng Cộng đồng ASEAN”, ông nhấn mạnh.

Thay mặt cho Hạ viện Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Hạ viện Puan Maharani đề cập đến một trọng tâm trong các chính sách phát triển của nước này là đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống: "Với tư cách là các Quốc hội ASEAN, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên ASEAN tuân thủ Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và bảo đảm những quyền, lợi ích chính đáng ở khu vực biển của những quốc gia ven biển. Hiện nay, COC cũng phải được xây dựng là một trong những nền tảng được các bên thống nhất lựa chọn để thúc đẩy đối thoại trong khu vực biển Đông của các nước ASEAN, để chúng ta có thể bảo đảm được khu vực biển Đông của chúng ta”...

Để tăng cường hơn nữa sự gắn kết và chủ động thích ứng của cộng đồng ASEAN, Chủ tịch Hạ viện Indonesia cho rằng, cần tăng cường hơn nữa khả năng đối phó một cách hiệu quả với những thách thức của khu vực và toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến vấn đề an ninh, con người ở tầm cơ quan lập pháp.

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ Nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng tin tưởng, với sự điều hành kinh nghiệm của Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân, trên tinh thần tin cậy, đồng thuận, Đại hội đồng AIPA 41 sẽ thành công tốt đẹp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng, hơn bao giờ hết, người dân ở mỗi quốc gia chúng ta đều kỳ vọng ở các nghị sĩ Quốc hội, những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia đóng góp mạnh mẽ, thiết thực vào việc thúc đẩy Chính phủ hành động nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là dành nhiều nguồn lực cho phòng chống đại dịch Covid-19; và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cùng hành động vì sự thịnh vượng của mỗi quốc gia và cả khu vực ASEAN mà trước hết phải đoàn kết lại, cùng vượt qua thách thức, hướng tới tương lai tốt đẹp.

Bà nói: “Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch AIPA năm nay là một vinh dự lớn đối với Quốc hội Việt Nam, khi năm 2020 trùng với dịp kỷ niệm 25 năm Quốc hội Việt Nam tham gia AIPA. Với trách nhiệm cao nhất, Quốc hội Việt Nam khẳng định: tiếp tục đóng góp vào phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác trong ASEAN và AIPA, đồng thời kết nối AIPA với Tổng Thư ký IPU và các tổ chức nghị viện trên thế giới, hướng tới mục tiêu cùng xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường”.

Nhìn nhận ASEAN đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt, những biến động mới trong môi trường địa - chiến lược cũng như sự nổi lên của những vấn đề toàn cầu và khu vực đòi hỏi ASEAN phải gắn kết, chủ động thích ứng hơn và duy trì vai trò trung tâm trong khu vực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng đã nêu một số đề xuất cụ thể. Trong đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy thực hiện các sáng kiến xây dựng Cộng đồng kinh tế tự chủ tự cường, ủng hộ ASEAN chủ động ứng phó, kiểm soát hiệu quả đại dịch đi đôi với khôi phục nền kinh tế; thúc đẩy phê chuẩn các thỏa thuận kinh tế khu vực, nhất là sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực trong năm 2020 và mở rộng phát triển quan hệ với các đối tác bên ngoài ASEAN.

Gần 510 triệu lao động nữ toàn cầu làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41 đã diễn ra Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA). Phát biểu khai mạc sự kiện này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực.

Thúc đẩy thực hiện các sáng kiến xây dựng Cộng đồng kinh tế tự chủ tự cường ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA). Ảnh: QUANG PHÚC
Theo Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, Chương trình phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, đạt được việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới... và trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị”. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, song những số liệu mới cập nhật của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc.


Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ, gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên. "Xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030", Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm. Năm 2019, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ.

Thông tin đến các Nghị viện AIPA, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cho biết, những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và “không ai bị bỏ lại phía sau”. 

Chia sẻ quan điểm với Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, các nữ nghị sĩ Brunei, Lào, Campuchia, Myanmar... đều công nhận vẫn tồn tại sự bất bình đẳng sâu sắc giữa nam và nữ, đòi hỏi các Nghị viện thành viên và các nghị sĩ tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong hoạch định và hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ. Trong đó, điều cốt lõi là mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ, tạo điều kiện trao đổi cởi mở các ý tưởng với phụ nữ, nâng cao tính minh bạch trong hoạch định chính sách…

Tin cùng chuyên mục