Thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam

Ngày 24-9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng chủ trì hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa như Việt Nam. Thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam...). Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Các phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, phải nhìn thẳng sự thật là ngành cơ khí nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Năng lực của ngành cơ khí thấp. Hiện tại, ngành mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 21.000 doanh nghiệp cơ khí nội địa (không tính doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang sản xuất, kinh doanh để tồn tại và phát triển. Những doanh nghiệp cơ khí có số lượng lao động từ 500 người trở lên còn rất ít (chỉ khoảng 100 doanh nghiệp), còn lại đa phần là doanh nghiệp cơ khí có quy mô nhỏ. Nguồn lực tài chính hạn chế, công nghệ yếu, kinh nghiệm quản trị lạc hậu, ngành cơ khí Việt Nam phải cạnh tranh vô cùng khó khăn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ có nghị quyết về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. “Phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam. Chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa. Tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó, Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước.

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về việc Chính phủ, Thủ tướng có “quyết chiến” để đưa ngành cơ khí Việt Nam tiến bước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi tin hội nghị lần này, trên nền tảng 21.000 doanh nghiệp cơ khí và định hướng chiến lược mà Chính phủ đưa ra, chúng ta sẽ xây dựng ngành cơ khí Việt Nam phát triển”.

Về giải pháp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành cơ khí, bảo đảm định hướng của Bộ Chính trị. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý...

Tin cùng chuyên mục