Thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (sau đây gọi chung là ngành CNTT) được xác định là con đường chủ đạo, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng hiệu quả quản lý xã hội theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với khu vực và thế giới, đặc biệt với giai đoạn 2020-2025.
Tại TPHCM, VNG là một trong những doanh nghiệp ngành CNTT lớn, được thành phố quan tâm hỗ trợ
Tại TPHCM, VNG là một trong những doanh nghiệp ngành CNTT lớn, được thành phố quan tâm hỗ trợ

Vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI

Trong 5 năm qua, ngành CNTT Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Ngành CNTT đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, với doanh thu năm 2019 ước đạt 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp trên 14% cho GDP.

Những con số trên là một phần kết quả được Bộ TT-TT đưa ra tại hội nghị tổng kết “Chương trình phát triển công nghiệp CNTT giai đoạn 2015-2020” theo Quyết định 392 của Thủ tướng Chính phủ vừa được tổ chức. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, các mặt hàng CNTT, đặc biệt là điện thoại và máy tính chiếm vị trí tốp 1 và tốp 3 trong danh sách tốp 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, đồng thời đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho rằng: “Ngành CNTT hiện vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp (DN) FDI, trong đó doanh thu của DN FDI chiếm tới 98% tổng doanh thu xuất khẩu”. Mặc dù số lượng DN nội địa nhiều nhưng 99% là DN nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế, chủ yếu là làm dịch vụ ủy thác, lắp ráp. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT-TT, 5 năm qua đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của nhiều địa phương trên cả nước. Đã xuất hiện 40 địa phương có tăng trưởng vượt bậc về ngành CNTT, điển hình là Hà Nam (tăng 20.427% so với 2015), Vĩnh Phúc (tăng 2.892%), Phú Thọ (tăng 713%), Đồng Nai (tăng 287%), do thu hút được đầu tư FDI trong lĩnh vực phần cứng điện tử.

Như vậy ngoài  Hà Nội, TPHCM và TP Đà Nẵng đã có thêm 5 tỉnh thành tham gia vào nhóm địa phương có doanh thu ngành CNTT trên 1 tỷ USD là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Trong đó Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã trở thành những trung tâm sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường thế giới. 

TPHCM đề xuất cơ chế mới

Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Quốc Cường cho biết, trên địa bàn thành phố, số DN hoạt động chuyên ngành CNTT là 5.636 DN (tăng 23% so với năm 2016), chiếm khoảng 3% số DN đang hoạt động. Ngoài ra, TPHCM có gần 1.300 DN khởi nghiệp, trong đó hơn 900 DN thuộc lĩnh vực CNTT (chiếm 70%). 

Trong 3 năm gần đây, ngành điện tử - CNTT có mức tăng cao đúng định hướng của TPHCM. Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành trong năm 2017 tăng 39,11%, năm 2018 tăng 15,54%. TPHCM có nhiều DN lớn, có mức tăng trưởng cao nhờ việc tiếp thu, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật ở trình độ cao của các tập đoàn kinh tế thế giới trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử… Trong giai đoạn tới, ngành CNTT còn nhiều tiềm năng phát triển nhằm bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0 và chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ. 

TPHCM kiến nghị Bộ TT-TT trình Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với sự phát triển các loại hình mới hiện nay: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi sản xuất trong nước để tạo giá trị gia tăng cao; có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm, dịch vụ CNTT trong nước; xây dựng chính sách, giải pháp tạo lập thị trường cho các DN công nghệ số Việt Nam bao gồm startup, lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án về chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh.

Ngoài ra, cần xác lập một đầu mối ở Trung ương và một  đầu mối ở mỗi địa phương để thực hiện việc tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho DN công nghệ số.

Tin cùng chuyên mục