Thúc bách từ ĐBSCL

 
Kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2017 có mức tăng trưởng thấp là một trong những vấn đề mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương ở vùng ĐBSCL trăn trở và nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, vừa tổ chức hôm qua 29-6 tại Cần Thơ.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,45%, cao hơn bình quân cả nước nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tăng trưởng ngành sản xuất nông nghiệp của vùng chỉ đạt 2,07%, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 2,65%; nhiều tỉnh, thành có mức tăng trưởng âm như Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và Hậu Giang. Nguyên nhân được Bộ KH-ĐT chỉ ra là do tình hình khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 còn tác động xấu đến sản xuất trồng trọt của quý 1-2017. Diện tích gieo sạ lúa vụ mùa và vụ đông xuân thu hoạch trong quý 1 giảm 73.000ha, giảm 4,1% so cùng kỳ năm 2016 do chủ yếu chuyển trồng cây khác, chuyển nuôi trồng thủy sản và bỏ lại diện tích chưa được thau chua rửa mặn. Ngoài ra, do mùa lũ năm 2016 có đặc điểm là lũ thấp nhưng rút chậm dẫn đến việc gieo sạ vụ đông xuân năm 2016-2017 không tập trung, cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa trái mùa, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây lúa và làm phát sinh nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt bệnh sâu năng nên năng suất lúa giảm mạnh so cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp nước ta tăng trưởng âm, mà nguyên nhân chính là sản xuất gặp quá nhiều bất lợi do thiên tai. 6 tháng cuối năm 2016, tình hình có cải thiện đôi chút và “dư âm” tiếp tục kéo dài sang đến năm nay. Thế nhưng, theo các chuyên gia, đó cũng chỉ là nguyên nhân khách quan. Về chủ quan, định hướng nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, theo kiểu thu gom của các hộ nông dân sản xuất nhỏ thành một khối lượng hàng hóa lớn, lộn xộn để xuất khẩu với giá rẻ. Ngoài ra, các chính sách thu hút, phát triển nông nghiệp cũng gặp khó khăn, chưa gắn với thực tế. “Chính sách cho nông nghiệp khá đầy đủ, nhưng để tiếp cận rất khó. Đơn cử, muốn đầu tư sản xuất lớn thì phải có đất đai, nhưng đất đai lại do các hộ dân quản lý, sử dụng, nên không thể có diện tích đủ lớn để sản xuất. Hay như việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hiện có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nếu có thì chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên rất khó vay vốn do ngân hàng lo ngại nợ xấu, rủi ro lớn”, một chuyên gia nêu ý kiến.
Cho đến nay, việc triển khai chủ trương phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới và đẩy mạnh liên kết vùng ở ĐBSCL đều thiếu và yếu. Về phát triển HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, toàn vùng có 1.251 HTX sản xuất nông nghiệp, nhưng quy mô nhỏ và hiệu quả chưa cao. “Là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp hàng hóa của cả nước, con số HTX nói trên là khá khiêm tốn, phải chăng đó cũng là nguyên nhân của tình trạng đầu ra nông sản bị ách tắc mà xã hội phải liên tục “giải cứu”, và là nguyên nhân chính của việc tăng trưởng ngành nông nghiệp đang chững lại?”, một vị Bí thư Tỉnh ủy đặt vấn đề.

Về đề án thí điểm liên kết vùng, nhiều vị lãnh đạo cho rằng đến nay vẫn còn nằm… trên giấy. Trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp khó khăn, liên kết vùng, vốn được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL, lại tồn tại nhiều hạn chế bất cập, chưa có cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm nhằm tạo sự phát triển lan tỏa trong vùng; sự liên kết giữa các địa phương còn hạn chế, thậm chí cạnh tranh gây bất lợi cho phát triển trong nội vùng… Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã “nhắc nhở” Bộ KH-ĐT về việc chậm triển khai thí điểm liên kết vùng. Theo Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 đã được ban hành. Mục đích liên kết nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương trong vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế còn khá lúng túng và hiệu quả rất thấp.

Đóng góp của ngành nông nghiệp đối với xã hội rất lớn, nhất là từ khu vực ĐBSCL. Nông nghiệp tăng trưởng thấp đặt ra nhiều vấn đề trăn trở về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Nông nghiệp tăng trưởng thấp đặt ra yêu cầu cấp bách về tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp ở ĐBSCL. Theo các chuyên gia, đây là một cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất mới, vì vậy Chính phủ cần tổ chức cơ quan điều hành đủ mạnh, tập trung thống nhất chỉ đạo, vận động nhân dân, phối hợp các nguồn lực, các cơ quan chuyên ngành, ứng dụng khoa học - công nghệ tạo ra sức đột phá làm chuyển biến tình hình trong một thời gian sớm nhất, nhằm định hình nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái bền vững trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục