Thuận theo tự nhiên

Sạt lở lâu nay là vấn nạn của ĐBSCL. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gây sạt lở nghiêm trọng, song các nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân chính là tình trạng khai thác cát quá mức ở các lòng sông càng làm gia tăng sạt lở. 
Sạt lở tại khu vực bờ sông Tiền (thuộc khóm Sở Thượng, phường An Lạc, TX Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp
Sạt lở tại khu vực bờ sông Tiền (thuộc khóm Sở Thượng, phường An Lạc, TX Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Tình trạng sạt lở bờ sông có thể trầm trọng thêm trong thời gian tới, khi lượng phù sa và cát từ dòng Mê Công đổ về đồng bằng giảm nghiêm trọng, do các thủy điện chắn dòng.

Thống kê sơ bộ từ Công an tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 30 vụ khai thác cát lậu. Trong đó, một số đối tượng đã bị xử lý hình sự nhưng vẫn tái phạm khi tiếp tục khai thác cát lậu. Lâu nay các nhà khoa học đã chỉ ra, khai thác cát làm đáy sông sâu hơn, do đó bờ nặng hơn, dễ sụp hơn.

Hiện nay, đáy sông Tiền và sông Hậu đã sâu hơn khoảng 3m so với 20 năm trước. Dòng chảy thiếu phù sa thì ít đục hơn, nhẹ hơn, nên bào mòn mạnh hơn xưa. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL, lưu ý: “Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sạt lở ở ĐBSCL là sự thiếu hụt cát và phù sa, có thể nói ngay rằng, mọi biện pháp, dù là công trình hay phi công trình ở ĐBSCL đều chỉ là chống đỡ, chứ không thể làm giảm sạt lở được. Khi phù sa và cát tiếp tục thiếu hụt thì sạt lở tiếp tục gia tăng không thể đảo ngược được”. 

Theo số liệu của Ủy hội Mekong quốc tế, từ 1992-2014, tải lượng phù sa mịn trên sông Mê Công giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Sau này khi có thêm 11 đập thủy điện dòng chính ở phần hạ lưu thì lượng này sẽ giảm 50% một lần nữa còn 42 triệu tấn/năm và 100% lượng cát sẽ bị chặn lại. Hoàn toàn không có biện pháp khả thi kỹ thuật nào về việc xả cát qua đập thủy điện một cách hiệu quả.

“Khi dòng sông chảy qua một đoạn sông nào đó, nó phải giải quyết vấn đề năng lượng và khi nó chọn điểm nào để gây sạt lở thì điểm đó là điểm hợp lý nhất đối với dòng sông. Con người có thể tranh cãi lẫn nhau, nhưng không thể nào cãi lại quy luật của dòng sông. Khi dòng sông đã gây sạt lở thì nó đã giải quyết vấn đề năng lượng của nó và chúng ta cố trám lấp lại thì chúng ta đang “cãi nhau” với dòng sông. Trám lấp tức là ta đưa dòng sông về trạng thái trước khi sạt lở, trở lại tình trạng “tức nước” như trước và dòng sông sẽ phải tự tìm cách giải quyết năng lượng của nó bằng cách phá hủy công trình trám lấp đó, hoặc phá đáy sông, hoặc phá bờ bên kia…”, thạc sĩ Thiện lý giải. 

Từ năm 2018-2020, Chính phủ đã phân bổ hơn 3.600 tỷ đồng để ĐBSCL chống sạt lở. Đây là nguồn ngân sách rất lớn khắc phục và chống sạt lở trong vùng. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, vùng ĐBSCL có trên 500 điểm sạt lở kéo dài ở 520km bờ sông, trên 50 điểm sạt lở dọc theo chiều dài 266km bờ biển. Trong đó, gần 100 điểm sạt lở bờ sông và bờ biển nguy hiểm. Câu chuyện phòng chống sạt lở sẽ là câu chuyện dài mà ĐBSCL phải luôn đối diện.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu ĐBSCL không quản lý tốt việc khai thác cát thì đáy sông càng xuống sâu, sạt lở càng gia tăng với tốc độ nhanh hơn. Cần nhìn nhận khai thác có phép và không phép đều là như nhau. Trong đó, kiên quyết triệt tiêu các điểm khai thác cát lậu là cần thiết, song cần đánh giá “cái được và cái mất” trong việc cấp phép cho khai thác cát hiện nay. Đồng thời, sớm nghiên cứu cho “ra lò” các vật liệu thay thế cát trong xây dựng.

Tin cùng chuyên mục