Thừa Thiên - Huế đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999

Sáng 12-10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, lũ trên sông Bồ đang lên và đã đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. 

Theo đó, mực nước tại sông Bồ đo được lúc 3 giờ 30 sáng 12-10 đạt đỉnh +5,18m, tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Còn tại sông Hương đạt đỉnh +4,17m và đang xuống chậm.

Các hồ thủy điện và thủy lợi tại Thừa Thiên – Huế tiếp tục điều tiết xả nước về hạ du để chuẩn bị đối phó với đợt mưa lớn do ảnh hưởng của vùng áp thấp được hình thành sau khi bão số 6 suy yếu.

Sáng 12-10, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, lực lượng chức năng đã cố gắng liên lạc và tìm phương án thích hợp để đưa 13 trường hợp là người địa phương đi làm, bị mắc kẹt trong rừng do mưa lớn, nước suối dâng nên không thể trở về. Hiện tất cả người dân này đã được hỗ trợ về với người thân.

Thừa Thiên - Huế đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 ảnh 1
Thừa Thiên - Huế đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 ảnh 2 Di dời người dân vùng ngập nặng đến trú ẩn tại những nơi cao ráo

Sáng cùng ngày, Công an TP Huế cho biết, khuya 11-10, Công an phường Kim Long kịp thời phối hợp và đưa đi cấp cứu 4 người dân ở vùng tâm lũ đến bệnh viện cấp cứu. Trong đó, 1 trường hợp lên cơn hen suyễn, 2 người bị tai nạn và 1 sản phụ chuyển dạ.  

Hiện phường Kim Long được xem là một trong những khu vực ngập nặng nhất TP Huế do nằm sát sông Hương nên Công an phường Kim Long ngày đêm tập trung huy động lực lượng giúp dân ứng phó lũ lụt.

>>> Video Công an phường Kim Long vượt lũ đưa bệnh nhân đi cấp cứu

Trước tình hình mưa lớn khiến địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế ngập lụt trên diện rộng, trong đó nhiều vùng thấp trũng ngập sâu trong lũ, đoàn cứu trợ của tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh dùng xuồng chuyên dụng vượt lũ để đến thăm hỏi, động viên bà con phường Vỹ Dạ (TP Huế) và xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền) đang chịu muôn vàn khó khăn vì ngập lụt.

Đoàn cứu trợ khẩn cấp bà con vùng lũ đang đứng trước nguy cơ đói khát 1.500 thùng mì tôm, 700 thùng nước suối và một số nhu yếu phẩm khác.

>>> Video Công an phường Kim Long vượt lũ đưa bệnh nhân đi cấp cứu
Sáng cùng ngày, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ đã gây ngập lụt hầu hết các địa phương các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương và tham gia ứng cứu nhân dân vùng thấp trũng bị cô lập do mưa lũ.

Trước mắt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng đoàn công tác của Quân khu 4 đã trực tiếp thị sát ở các khu vực xung yếu, ngập nặng, bị chia cắt ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) để có biện pháp chỉ đạo các lực lượng kịp thời ứng cứu, giúp đỡ nhân dân.

>>> Video ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào rốn lũ phường Vỹ Dạ, TP Huế cứu trợ người dân nguy cơ đói khát vì mưa lũ kéo dài
Đồng thời, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhanh chóng có các biện pháp hỗ trợ, nhất là đối với những vùng ngập lụt để di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và cứu trợ lương thực, mì tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân ở những vùng bị chia cắt, cô lập để người dân không đói rét. Đồng thời, thường xuyên báo tình hình để Quân khu 4 kịp thời hỗ trợ nguồn nhân lực xuống hỗ trợ và cung cấp lương thực, mì tôm cho nhân dân.

Tin cùng chuyên mục