Thư viện thông minh cho tương lai

Với mô hình của Thư viện sách điện tử “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nếu được triển khai mở rộng ra các nội dung sách khác sẽ là tiền đề để xây dựng một thư viện điện tử đúng nghĩa. Khi đó, cùng với sự chung tay của các hảo tâm hỗ trợ về mặt cơ sở vật chật, các thư viện hiện đại, nguồn sách phong phú sẽ có thể lan tỏa đến mọi nơi, dù là những địa phương khó khăn nhất.
Mới lạ thư viện chuyên đề
Khoảng giữa năm 2017, TPHCM chính thức đưa vào hoạt động một thư viện sách chuyên đề với tên gọi Thư viện sách điện tử “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại tên miền thuviensachHOCHIMINH.tphcm.gov.vn.
Nguồn sách của thư viện được tập hợp từ 3 nhà xuất bản (NXB) của TP là Trẻ, Tổng hợp và Văn hóa văn nghệ. Theo đánh giá từ Sở TT-TT TPHCM, đây là lần đầu tiên TPHCM ra mắt thư viện sách điện tử để mọi người dân có thể tiếp cận những tư liệu về Bác, cũng như những tấm gương học tập và làm theo lời Bác. Tại Thư viện sách điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân có thể tải miễn phí các tài liệu về đọc, tham khảo, học tập, cũng như phục vụ các mục đích nghiên cứu.
Xuất phát từ thực tế, trong khi nguồn sách về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh khá đầy đủ với nội dung đa dạng, thì việc tiếp cận nguồn sách này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các cơ sở ngoại thành, vùng sâu, vùng xa…
Thư viện thông minh cho tương lai ảnh 1 Người dân ngày càng quan tâm, sử dụng các phương tiện và sản phẩm sách điện tử
Sự xuất hiện của thư viện chuyên đề đã góp phần giải quyết tình trạng trên khi cung cấp khả năng tiếp cận dễ dàng với nguồn sách lớn, có kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nội dung, có thể nhanh chóng cập nhật bổ sung các đầu sách mới. Chưa kể, thư viện còn đóng vai trò một cổng thông tin cung cấp về tình hình tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các địa phương, cơ sở.
Bài toán thư viện thời kỳ công nghiệp 4.0
Hoạt động của Thư viện sách điện tử “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” bắt nguồn từ một nhu cầu thực tế nhưng đã tình cờ trở thành một lời giải đầy hiệu quả cho mô hình thư viện thời kỳ công nghệ 4.0 mà TPHCM đang theo đuổi. 
Một trong những vấn để của kỷ nguyên công nghiệp 4.0 là việc sách và các tài liệu giấy không còn ở vị trí độc tôn trong việc chuyển tải tư liệu, kiến thức. Bạn đọc trong xã hội hiện đại đã và đang có xu hướng sử dụng các tài liệu điện tử, số hóa với vô vàn lợi ích vượt trội. Thư viện điện tử trở thành một lựa chọn tất yếu khi cung cấp những tiện ích như khả năng tìm kiếm thông tin cực nhanh, giảm thời gian và chi phí đi lại, in ấn xuất bản, tính kết nối giữa các tài liệu, các kiểu tài liệu như văn bản, hình ảnh… rất dễ dàng. 
Thế nhưng, thực tế việc xây dựng các thư viện số hiện nay hầu như dẫm chân tại chỗ. Lý do rất nhiều, nhưng tựu trung là thiếu một đầu tàu, thống nhất các đơn vị làm sách số lại với nhau. Hiện nay, mỗi đơn vị, từ NXB đến các đơn vị làm sách đều có những phương hướng làm sách số khác nhau. Khác về định dạng kỹ thuật, về tiêu chí chất lượng, về hình thức khai thác, kinh doanh bản quyền.
Thế là mỗi đơn vị tự lập một loại thư viện điện tử cho riêng mình, chỉ để cung cấp sách điện tử của riêng đơn vị, chẳng ai chịu ai và thua thiệt nhiều nhất là bạn đọc khi không có được một thư viện đúng nghĩa, nơi có mọi đầu sách cần thiết.
Thư viện sách điện tử “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã vẽ nên một giải pháp cho tình trạng trên. Dưới sự hỗ trợ của thành phố, thư viện đã có được sự kết nối từ 3 NXB lớn với nguồn sách phong phú. Nguồn sách đưa về sẽ thống nhất về mặt kỹ thuật, yêu cầu sử dụng, đồng thời có chung một cơ sở cung cấp hỗ trợ cho bạn đọc các vấn đề về nội dung, kỹ thuật…
Trong năm 2017 cũng ghi nhận việc nhiều đơn vị kinh doanh cũng đã quan tâm đóng góp cho sự phát triển văn hóa của xã hội, đặc biệt là thông qua mô hình thư viện điện tử. Tiêu biểu như việc một nhà bán lẻ hàng điện tử đã hỗ trợ trang bị 21 thư viện điện tử cho 21 trường tiểu học có điều kiện khó khăn trên cả nước.
Tuy nhiên, việc trang bị này chủ yếu nằm ở các trang thiết bị kỹ thuật, còn về nguồn sách thì do đặc thù chưa có một thư viện điện tử đúng nghĩa ở trong nước. Thư viện điện tử ở các trường cũng mang tính phân tán, dùng để truy cập vào những thư viện điện tử của các đơn vị làm sách hiện đang có sẵn trên mạng.

Tin cùng chuyên mục