Thủ tướng yêu cầu tập trung xây nhà ở giá rẻ cho công nhân

Sáng nay 20-5, tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dặp gỡ, đối thoại với khoảng 1.000 công nhân lao động các khu công nghiệp tại 11 tỉnh của vùng đồng bằng sông Hồng. Chủ đề của cuộc đối thoại là "làm sao để có năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn". 

Tại buổi đối thoại lần này, Thủ tướng nói "Tôi rất muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng được bày tỏ thẳng thắn, cởi mở của công nhân và người lao động".
Thủ tướng yêu cầu cần nêu bật được vấn đề bức xúc của công nhân hiện nay là gì để giải quyết ngay. 
Trước đó vào các năm 2016 và 2017, Thủ tướng đã có 2 cuộc đối thoại với hàng ngàn công nhân và cán bộ công đoàn, doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung về nhiều chủ đề mà người lao động quan tâm. 
Thủ tướng đối thoại với công nhân sáng nay 20-5-2018

Chị Phạm Thị Khuyên đang làm việc tại Công ty Canon Việt Nam - chi nhánh Bắc Thăng Long (Hà Nội) nêu khó khăn chung của công nhân, chị cho biết, mức lương hiện nay của chị khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng đang gặp khó khăn về nhà ở. Do khả năng của các dự án nhà ở xã hội và nhà trông giữ trẻ của khu công nghiệp có hạn nên nhiều công nhân phải thuê nhà trọ ở bên ngoài để làm việc, đồng thời phải gửi con cái ở các cơ sở tư nhân. Vì vậy mà chi phí tăng cao, không đảm bảo mức sống. 

Về vấn đề này, Thủ tướng trả lời ngay rằng, đây là vấn đề quan trọng và là nhu cầu thiết thực của công nhân. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. 

Liên quan đến TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay Hà Nội đã có một số khu nhà ở xã hội cho công nhân ở huyện Đông Anh nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Vì vậy sắp tới Hà Nội sẽ xây dựng thêm các dự án mới tại KCN Bắc Thăng Long, Quang Minh để có nhà ở cho các gia đình công nhân. Giá bán chỉ có khoảng 200-400 triệu đồng, diện tích tối thiểu là 35m2

Thủ tướng vui mừng khi nghe cam kết của Chủ tịch TP Hà Nội. Thủ tướng cho biết, hôm qua Thủ tướng đã đi thăm một mô hình cho công nhân thuê nhà trọ ở xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Chủ nhà là một bộ đội xuất ngũ đầu tư xây nhà cho công nhân thuê với giá rẻ, chỉ có hơn 1 triệu đồng/tháng cho một phòng có thể ở được 4 người. 

Theo Thủ tướng, bước đầu chưa thể xây dựng đủ các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì vẫn phải duy trì mô hình xây nhà trọ cho công nhân song phải đảm bảo giá hợp lý cho công nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề nhà ở, trường học cho con em công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu tập trung xây nhà ở giá rẻ cho công nhân ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại với công nhân vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: VGP
 " Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai và Đà Nẵng trước đây, tôi đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân", Thủ tướng chia sẻ.

Một lần nữa, Thủ tướng yêu cầu phải tìm mọi cách xã hội hoá xây dựng nhà ở cho công nhân, ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây nhà ở. Đặc biệt phải tập trung xây nhà trẻ cho con em công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, mà các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Tại buổi đối thoại, nữ công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền, làm việc tại công ty có vốn 100% vốn Nhật Bản tại KCN Đồng Văn (Hà Nam) chia sẻ thêm, lương hiện nay chỉ 4-4,5 triệu đồng, trong đó tiền thuê nhà trọ 1-1,5 triệu đồng mà giá điện, nước quá cao. Cụ thể tiền điện đang bị thu là 3.000 đồng/kWh, giá nước là 8.000-10.000 đồng/m3. Chị mong muốn được hưởng mức giá điện nước như người dân bình thường. 

Sau khi nghe chia sẻ này, Thủ tướng nói rằng như vậy là cao quá và như vậy là vi phạm quy định về giá bán điện. 

Giải trình về vấn đề này, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, ông Dương Quang Thành khẳng định, giá bán điện cho công nhân thuê nhà trọ cũng được quy định như mức giá sinh hoạt theo quy định, không phải mức giá dành cho kinh doanh dịch vụ.

Vì vậy nếu cơ sở nào bán giá cao hơn là vi phạm pháp luật. EVN sẽ đi kiểm tra để báo cáo Bộ Công thương xử lý. Về tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch tỉnh Hà Nam và các cơ quan liên quan cần kiểm tra ngay tình trạng bán giá điện cao để xử lý. 

Liên quan đến vấn đề tiền lương, nữ công nhân Trần Thị Thanh đến từ Hưng Yên làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, việc sửa Nghị định 49 theo hướng Nhà nước không can thiệp sâu vào quyền quyết định tiền lương của doanh nghiệp, bỏ quy định thang bảng lương và chị cho biết nhiều công nhân không đồng tình với chính sách này vì quyền lợi của công nhân lao động sẽ bị ảnh hưởng. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung được Thủ tướng chỉ định trả lời đã khẳng định rằng, Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 49 theo hướng không can thiệp sâu vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp nhưng không có việc Nhà nước không có trách nhiệm với người lao động, Nhà nước vẫn sẽ có các quy định về mức sàn thấp nhất đảm bảo mức sống tốt hơn cho người lao động để các doanh nghiệp thực hiện. Điều quan trọng là khi đàm phán về tiền lương, người lao động vẫn có quyền thoả thuận với chủ doanh nghiệp để đưa ra mức lương hợp lý. 

Sau trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Thủ tướng bổ sung thêm rằng, vấn đề chúng ta đang đặt ra hiện nay là năng suất cao hơn và phúc lợi tốt hơn nên phải coi trọng vấn đề tăng năng suất cao hơn để có tiền lương cao hơn. Năng suất thấp thì không thể có mức lương cao. Nhưng để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, điều quan trọng là tổ chức công đoàn phải tham gia tích cực vào quá trình thoả ước lao động tập thể, bảo vệ người lao động để đảm bảo mức lương xứng đáng cho người lao động...

Tin cùng chuyên mục