Thủ tướng yêu cầu mở cửa trường học tại tất cả các cấp học từ 7-2 ​

Theo tổng hợp, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trường trong tháng 2; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho học sinh trung học đi học trong khoảng thời gian từ 7-2 đến 14-2; 60 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch với học sinh tiểu học, mầm non.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một cuộc họp Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một cuộc họp Chính phủ. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2022.

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh trong dịp tết. Sau kỳ nghỉ tết, bảo đảm tập trung xử lý công việc ngay từ những ngày làm việc đầu tiên, không để công việc bị gián đoạn, đình trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng yêu cầu UBND TPHCM sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Bộ KH-ĐT khẩn trương hơn nữa tổ chức thẩm định các dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (Hội đồng thẩm định nhà nước): Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, bảo đảm kịp tiến độ trình cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ ba (vào tháng 5 năm 2022).

Chính phủ giao Bộ VHTT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan sớm công bố lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm tính tổng thể, liên thông, thống nhất, nhất quán với hoạt động giao thông vận tải trong mọi loại hình và an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30-3-2022, chậm nhất là ngày 30-4-2022.

Trước đó, chiều 3-2 (mùng 3 Tết Nhâm Dần), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các nhiệm vụ trọng tâm sau tết.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đưa học sinh trở lại trường sau tết. Theo tổng hợp, 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trong tháng 2; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho học sinh trung học đi học trong khoảng thời gian từ 7-2 đến 14-2; 60 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch với học sinh tiểu học, mầm non, còn Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã lên kế hoạch nhưng phải chờ việc lấy ý kiến phụ huynh để ấn định ngày đi học cụ thể. Ngay sau tết, Bộ GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi. Bộ GD-ĐT cũng dự báo, khi quay trở lại học trực tiếp, hệ thống mầm non tư thục sẽ thiếu giáo viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta đã đạt mục tiêu đã đề ra trong việc tổ chức Tết Nguyên đán an ninh, an toàn, an dân. Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, hiệu quả để nhân dân đón tết tri ân, nghĩa tình, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và phù hợp điều kiện từng địa phương, đối tượng, không để ai, không để gia đình nào không có tết. Các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đưa đón người về quê ăn tết trật tự, an toàn, bình an. Với đồng bào bị kẹt lại tại một số địa điểm trên thế giới, chúng ta đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đưa bà con về ăn tết bằng các chuyến bay thương mại kịp thời. Tuy nhiên, vẫn phải coi trọng công tác phòng chống dịch, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. 

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Bộ Y tế chủ trì tiếp tục thúc đẩy chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine mùa Xuân. Kinh nghiệm cho thấy khi mũi 3 phát huy tác dụng thì việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội rất an toàn.

Thủ tướng yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học trong khoảng thời gian từ 7-2 đến 14-2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.

Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30-4, 1-5 và cố gắng từ 30-3, sau khi cơ bản tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng chỉ định và có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý. Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh tinh thần chung là khi chính sách đã ban hành thì phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất, nhất quán trên toàn quốc, “không có lý do gì để các địa phương ban hành các quy định trái với quy định chung”.

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ cho thấy, thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đều đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 an toàn, tri ân, nghĩa tình, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm với tinh thần “không để ai không có tết”.

Tổng kinh phí chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 8.324 tỷ đồng cho 57,81 triệu lượt đối tượng. Các tỉnh, thành phố đã trợ giúp ước tính khoảng 3.745 tỷ đồng hỗ trợ chăm lo tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động.

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ tổng số gần 19.000 tấn gạo cứu đói cho 1.245.830 nhân khẩu dịp tết và giáp hạt đầu năm 2022 cho 18 tỉnh; xuất cấp tổng số hơn 3.738 tấn gạo cứu đói cho 43.898 hộ với 210.954 nhân khẩu cho 3 tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 2021.

Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 12.200 ca mắc và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong). Trong 5 ngày nghỉ tết đầu tiên, cả nước tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân với hơn 782.000 liều tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2, 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại). Nhận định chung, đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch đang từng bước đạt được những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp tết cơ bản diễn ra thuận lợi.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; nhất là trong dịp Tết Nguyên đán có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau tết… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron. Nếu không kiểm soát, số ca mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.

Tin cùng chuyên mục