Thủ tướng: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bối cảnh hiện nay

Chiều tối 19-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bối cảnh hiện nay ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng Bộ trưởng các bộ: Công thương; NN-PTNT; LĐTB-XH; Bộ trưởng KH-CN; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; 94 đồng chí Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại diện 16 hiệp hội doanh nghiệp, 19 tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Hội nghị tập trung trao đổi, đánh giá thời cơ và thách thức trong tình hình hiện nay, đặc biệt là những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, khai thác nhất là xuất khẩu, đầu tư, du lịch nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; từ đó đề xuất các biện pháp để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước.

Thủ tướng: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bối cảnh hiện nay ảnh 2 Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong xu hướng chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đến thời điểm này, Việt Nam đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến hết tháng 8 đạt khoảng 500 tỷ USD. Đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

 Đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường và đẩy mạnh, phù hợp với tình hình thế giới, các quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ, đồng tình, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam; Nikkei đánh giá Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu về chỉ số phục hồi Covid-19.

Thủ tướng khẳng định, đóng góp vào thành tựu chung đó của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt triển khai nhiệm vụ của ngành ngoại giao nói chung và của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Trong đó, chúng ta đã triển khai rất thành công chiến lược vaccine, với chiến dịch ngoại giao vaccine có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; xác định tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến, tác động của tình hình.

Theo Thủ tướng, Việt Nam kiên trì, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”.

Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh các thị trường lớn của Việt Nam đều có xu hướng thu hẹp, các cơ quan đại diện Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình với tinh thần “trong nguy có cơ” để góp phần khắc phục các khó khăn tại các thị trường lớn. Đồng thời mở rộng các thị trường khác, góp phần vào thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, đa dang hóa chuỗi cung ứng…, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục