Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải làm ngày làm đêm để thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Ngày 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hàng loạt tồn tại, hạn chế

Báo cáo cho thấy, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo song công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện mới đạt 46,7% kế hoạch. 

Các ý kiến tại hội nghị đã chỉ ra 25 tồn tại, hạn chế thuộc 3 nhóm. 

Nhóm khó khăn thứ nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, cách làm. 

Nhóm thứ hai là công tác triển khai: việc lập kế hoạch đầu tư chưa sát với khả năng thực hiện, còn tình trạng vốn chờ dự án; thủ tục, khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giải ngân; công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; còn bất cập về giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán, quyết toán, năng lực các nhà thầu, nhà đầu tư, quản lý, tư vấn, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát. 

Nhóm khó khăn thứ ba mang tính đặc thù của năm 2022: đây là năm thứ 2 triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất là năm đầu, do kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tháng 7-2021 trong lúc giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, khan hiếm nguồn cung nguyên liệu đất, cát để san lấp mặt bằng.

- Tổng vốn đầu tư công năm 2022 khoảng 580.000 tỷ đồng, lớn hơn khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2021.

- Các bộ ngành, địa phương đã giao vốn chi tiết cho các dự án đủ điều kiện là 505.000 tỷ đồng. 

- Ước giải ngân đến cuối tháng 9 đạt trên 253.000 tỷ đồng, tăng hơn 34.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công tuy tăng về số liệu tuyệt đối nhưng về tỷ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 0,7% cùng kỳ năm 2021. 

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chỉ còn một quý nữa là kết thúc năm 2022, thời gian không chờ đợi nên phải hành động quyết liệt, tích cực, có hiệu quả. “Phải làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì nhân dân phục vụ! Đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giao vốn chi tiết (75.000 tỷ đồng còn lại) cho các dự án đủ điều kiện. Các tổ công tác tiếp tục triển khai nhiệm vụ, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa động viên các đơn vị, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn, tránh thủ tục lòng vòng. Bộ KH-ĐT phải tập hợp, báo cáo các vướng mắc liên quan thể chế, cơ chế, chính sách trước ngày 20-10; trong đó nêu rõ vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT phải bám sát tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan giá nguyên vật liệu biến động.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện; UBND các tỉnh, thành tham mưu HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, người dân tham gia; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; tiếp tục rà soát lại các dự án, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài. 

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo những vấn đề liên quan đất đai, rừng, nguyên vật liệu; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo những vấn đề thủ tục, nguồn vốn. “Không để có tiền mà không tiêu được, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

TPHCM rà từng dự án, từng chủ đầu tư

Phát biểu từ điểm cầu TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin, tính đến ngày 23-9, TPHCM giải ngân vốn đầu tư công được 10.877 tỷ đồng, nếu tính trên tổng số 37.997 tỷ đồng thì TPHCM đã giải ngân được 25%. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải làm ngày làm đêm để thúc đẩy giải ngân đầu tư công ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lý giải về con số 37.997 tỷ đồng, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, Trung ương giao cho TPHCM giải ngân đầu tư công hơn 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TPHCM là đơn vị điều tiết ngân sách (với tỷ lệ 21%), nên thành phố đảm bảo chi thường xuyên trước, còn lại bố trí cho đầu tư phát triển. Đến thời điểm này, TPHCM cân đối lại nguồn thu và chỉ có thể đảm bảo cân đối chi đầu tư phát triển là 42.508 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPHCM đề xuất trừ thêm 4.478 tỷ đồng bội chi ngân sách, nên tổng số vốn đầu tư công cần giải ngân năm 2022 của TPHCM còn lại là 37.997 tỷ đồng. 

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã thành lập các tổ công tác chuyên ngành, chuyên đề, rà từng dự án với từng chủ đầu tư để tháo gỡ. Kết quả, nhiều dự án đến tháng 11 và 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch, dù hiện nay đang giải ngân bằng 0. TPHCM cũng đã lập một tổ chuyên về giải phóng mặt bằng để tập trung cho các địa bàn có diện tích giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp. Dự kiến đến tháng 10-2022, TPHCM có thể cơ bản tháo gỡ được vướng mắc về giải phóng mặt bằng để phục vụ triển khai các dự án.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng thành lập tổ đôn đốc giải quyết khó khăn cho TPHCM theo tinh thần buổi làm việc vừa qua của Thủ tướng tại TPHCM, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc của TP liên quan đầu tư công và các vấn đề khác.

MAI HOA

Tin cùng chuyên mục