Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội

Sáng 12-11, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với các Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây cũng là thông lệ từ các nhiệm kỳ trước. Ở kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trước khi kết thúc hoạt động chất vấn của kỳ họp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. ẢNH: VIẾT CHUNG

Đã hỗ trợ trên 60.000 tỷ đồng cho trên 38 triệu lượt người lao động

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin chia sẻ, cảm thông sâu sắc với đồng bào, đồng chí về những mất mát, tổn thất về tinh thần, vật chất, nhất là với những gia đình mất người thân do dịch Covid-19.

Chúng ta tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp nhân dân; sự cống hiến to lớn, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ công tác cộng đồng, các nhóm thiện nguyện trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất, khen thưởng bậc cao đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch vừa qua.

Giải trình một số vấn đề được ĐBQH và đồng bào, cử tri quan tâm, thảo luận, chất vấn, Thủ tướng đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời điểm hiện nay. Trong đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng. Tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Đến ngày 11-11, theo thống kê bước đầu của các cơ quan chức năng, đã hỗ trợ trên 60.000 tỷ đồng cho trên 38 triệu lượt người lao động.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ tập trung đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vacine trên toàn quốc; chủ động chuẩn bị thuốc điều trị; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; cơ bản không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022 và những năm tiếp theo.

Có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em

Về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định, sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.

Tính đến ngày 11-11, Việt Nam nhập khẩu được 135 triệu liều vaccine, tiêm được 96 triệu liều, tỷ lệ trung bình người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi đạt trên 86%, tiêm 2 mũi đạt khoảng 45%. Dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 năm nay tiếp tục nhập khẩu khoảng 85,1 triệu liều, trong đó có vaccine cho trẻ em; có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em.

Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái "bình thường mới" dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro.

“Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả. Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội ảnh 2 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính phủ cũng tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Trong đó, đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại nợ vay, miễn giảm lãi suất, phí; hỗ trợ tiền điện, nước, cước viễn thông; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động... với tổng quy mô hỗ trợ dự kiến khoảng 250.000 tỷ đồng (trong đó số tiền gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất khoảng 115.000 tỷ đồng).

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp, linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công được kiểm soát chặt chẽ (nợ công thấp hơn so với mức trần được Quốc hội cho phép; tỷ lệ nợ công/GDP khoảng 43,7%-trong khi mức trần là 60%GDP).

Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phân tích, đánh giá kỹ, lựa chọn phù hợp các công cụ, chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực và đánh giá tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực để trình Quốc hội xem xét.

Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi.

Về các giải pháp phục hồi thị trường lao động, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, người lao động thực hiện mọi biện pháp cần thiết để trước mắt, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Chủ động ưu tiên tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại chỗ; có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu. Về lâu dài, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Việc học trực tuyến không thể kéo dài

Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, Thủ tướng thẳng thắn cho rằng, tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra và còn những hạn chế, bất cập, (trong 10 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 56% kế hoạch); đặc biệt giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 15,3% kế hoạch.

Những hạn chế này có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là cơ bản của cả chính quyền trung ương và địa phương. Chính phủ sẽ rà soát, kiên quyết điều chuyển vốn, không để tình trạng dàn trải, lãng phí.

Về vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của nhiều ĐBQH về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Với quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình…

Tin cùng chuyên mục