Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để học sinh thiếu sách giáo khoa

Ngày 3-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, động viên các thầy giáo, cô giáo, học sinh và kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại tỉnh Phú Thọ, gồm: Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập, Trường THPT Yên Lập (huyện Yên Lập) và Trường THPT chuyên Hùng Vương. 

Tránh bê tông hóa trường học

Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập là ngôi trường miền núi có nhiều giáo viên và học sinh là người dân tộc thiểu số. Khó khăn của trường hiện nay là tỷ lệ giáo viên/lớp còn thiếu so với quy định để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhu cầu học sinh ở bán trú nhiều nhưng nhà trường không đáp ứng được do không đủ các điều kiện để triển khai như bếp nấu, phòng ăn, phòng ngủ và các điều kiện khác. Tương tự, Trường THPT Yên Lập vẫn còn thiếu một số phòng học bộ môn, phòng học đa năng. Cơ cấu giáo viên các bộ môn chưa đồng bộ, thừa - thiếu ở một số môn…

Tại đây, Thủ tướng lưu ý việc bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh, vì “thiếu sách giáo khoa là không được”. Thủ tướng đề nghị huyện, xã trích một phần kinh phí để mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; không để học sinh đến trường mà không có sách giáo khoa. Thủ tướng cũng lưu ý nghiên cứu, triển khai việc cho học sinh mượn sách giáo khoa, cùng với giáo dục các em về tinh thần tiết kiệm, trân trọng sách vở, đồ dùng học tập. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tốt nhất có thể cơ sở vật chất, thư viện, thiết bị giảng dạy phù hợp với điều kiện của địa phương; chú ý vấn đề vệ sinh, môi trường, nhà vệ sinh cho các em học sinh. Ngành giáo dục, các nhà trường cần trồng thêm nhiều cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa để tạo bóng mát cho các em và cảnh quan xanh, sạch, đẹp, tránh bê tông hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để học sinh thiếu sách giáo khoa ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm hỏi, động viên thầy cô giáo, học sinh và kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập, sáng 3-9. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Thủ tướng, sân trường phải có cây xanh, thảm có, trồng hoa, thoáng mát, thân thiện, tránh tình trạng “cả sân trường hàng ngàn mét vuông toàn bê tông không có cây xanh nào, rất nóng vào mùa hè”. Các địa phương cần nghiên cứu mở rộng khuôn viên các trường, tránh tình trạng các phòng học quá chật hẹp để tạo điều kiện tốt nhất cho việc giáo dục, chăm sóc các em.

Dù hoạt động dạy và học đã trở lại bình thường, song Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì học online, qua đó giúp học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ, ý thức chuyển đổi số.

Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên

Trước thực tế thiếu giáo viên hiện nay, Thủ tướng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung thêm gần 66.000 biên chế giáo viên trên cả nước. Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu được phân bổ bảo đảm số lượng và chất lượng; nguyên tắc là ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên.

Tuy nhiên, phải cơ cấu lại, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, có phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, thể chất.

Thủ tướng lưu ý cần tập trung tạo điều kiện để đạt mục tiêu giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ cho học sinh. Trong đó, sắp xếp các hoạt động giáo dục cần tăng cường ngoại khóa, rèn luyện sức khỏe, tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức.

Đồng thời tăng cường định hướng nghề nghiệp, tăng cường đào tạo tin học, ngoại ngữ, góp phần xây dựng đội ngũ lao động vừa đẳng cấp quốc gia, vừa quốc tế, có đủ điều kiện bất cứ thị trường lao động nào cũng làm được.

Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức khai giảng năm học mới bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em học sinh và các thầy cô giáo; thực hiện đúng các quy định về thu, chi, công khai các khoản thu đầu năm. Thủ tướng mong các thầy cô giáo tận tụy với công việc, quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh của từng học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn - thân thiện - hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui với các em.

Thủ tướng khẳng định, GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đất nước thịnh hay suy là nhờ sự nghiệp giáo dục. Chúng ta xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Dù đất nước còn những khó khăn, nhưng chúng ta không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm tới sự nghiệp GD-ĐT, cân đối ngân sách để cải cách chính sách tiền lương, trong đó có tiền lương với đội ngũ giáo viên, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất của ngành giáo dục… 

Chiều 3-9, trong chương trình công tác tại Phú Thọ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để học sinh thiếu sách giáo khoa ảnh 2 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ. Ảnh: TTXVN


Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Phú Thọ phải tự lực tự cường vươn lên mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc, xứng đáng với vùng đất Tổ. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu tiếp tục đầu tư cho Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng bằng nguồn vốn Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội hóa.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án có tổng chiều dài 40,2km. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 3.712 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương.

Về dự án này, Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT chủ trì nghiên cứu, cân đối, bố trí thêm kinh phí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, gồm cả vốn Trung ương và địa phương, triển khai ngay việc xây dựng 4 làn xe (hiện đang đầu tư giai đoạn 1 chỉ có 2 làn), thay vì đợi tới sau năm 2025 như dự kiến trước đây; hoàn thành toàn dự án chậm nhất vào tháng 9-2023. 

Thủ tướng cũng đi khảo sát thực tế, làm việc tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ. Đây là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất trên cả nước đang tự chủ nhóm 1 (tự chủ 100%, gồm cả tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên).

Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan khẩn trương xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì trình cấp có thẩm quyền quyết định một số kiến nghị liên quan tới lĩnh vực y tế, trong đó có việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại vốn đầu tư cho các cơ sở y tế khi thực hiện chủ trương xã hội hóa.

Thủ tướng giao cũng Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, năng động, mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục