Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm của bão số 4

Thủ tướng yêu cầu ban chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

7 giờ sáng 27-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru) – một trong những cơn bão lớn nhất ảnh hưởng tới nước ta những năm qua.  

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo các tỉnh thành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm của bão số 4 ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến về ứng phó khẩn cấp với bão số 4. ẢNH: VIẾT CHUNG

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa và 85% diện tích thủy sản đã được thu hoạch. Chỉ còn 3 tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm nhưng dự kiến 10 giờ sáng 27-9 sẽ thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hơn 44.000 hộ dân được di dời. Lương thực đã được bố trí dự trữ, đặc biệt là khu vực vùng núi có nguy cơ chia cắt cao. Các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, nên có thể yên tâm về khả năng đón lũ với 900 triệu m³ nước. Lực lượng thanh niên xung kích với 12.000 người đã sẵn sàng. Sau cuộc họp, tỉnh sẽ triển khai 3 đoàn công tác tới địa phương để ứng phó bão.

Ông Trần Lộc, lãnh đạo phường Tân An, TP Hội An cho biết đây là phường ven biển, địa phương sẽ cố gắng cao nhất, tập trung chằng chống nhà cửa, di dời dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và hạn chế thấp nhất tài sản, ảnh hưởng tới di sản Hội An, các ngôi nhà cổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm của bão số 4 ảnh 2 Vị trí và đường đi bão số 4 lúc 10 giờ ngày 27-9. Ảnh: vndms


Trong khi đó, lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, đến nay còn 17 hộ dân chưa di dời, huyện không di dời tập trung mà xen ghép với các hộ dân khác. Thủ tướng yêu cầu nếu tình hình căng thẳng, có thể tính tới phương án di dời dân vào đất liền. Lãnh đạo huyện đảo cho biết nếu cần, có thể huy động hầm quân sự để người dân tránh trú.

* Lãnh đạo huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) cho biết, huyện có hơn 660 tàu thuyền các loại đã vào khu neo đậu an toàn, không còn ngư dân trên biển. Hơn 1.700 hộ hơn 6.000 nhân khẩu đã có phương án di dời. Học sinh nghỉ học từ chiều ngày 27-9...

Từ điểm cầu TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, qua kiểm tra cho thấy các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống bão; chúng ta có thể tương đối yên tâm với công tác bảo đảm an toàn hồ đập.

Bộ trưởng nhấn mạnh, mọi thiệt hại về tính mạng và tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trên biển còn 9 tàu đang di chuyển về phía Nam vào nơi an toàn, nhưng 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải quyết liệt, tích cực hơn, bởi không loại trừ khả năng bà con sẽ đánh bắt khi thấy cá nhiều do bão. Cùng với đó, hết sức quan tâm, phát hiện, kịp thời xử lý các nguy cơ sạt lở đất, các vấn đề vận hành liên hồ chứa, hồ thủy lợi, đập thủy điện…. Giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống, không để địa điểm nào bị cô lập do mất thông tin liên lạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm của bão số 4 ảnh 3 Thủ tướng: Cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm của bão. ẢNH: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các tỉnh thành đã triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được giao nhưng Thủ tướng vẫn tiếp tục triệu tập cuộc họp để rà soát lại công tác chuẩn bị ứng phó bão và ứng phó với các diễn biến sau bão… 

"Nhân dân ở xã phường, nên cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới cấp xã phường. Phải có phương án giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản, di sản, điều kiện, sinh kế của người dân; phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân ngay từ khi bão chưa đổ bộ bởi "phòng hơn chống", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như: khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú, kêu gọi ngư dân không đánh bắt trong những ngày này; rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ học sinh, khách du lịch; bảo vệ di sản, nhất là phố cổ Hội An; ứng phó với áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

Thủ tướng nhất trí với quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động chuẩn bị, nếu chuẩn bị tốt thì khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt thì thiệt hại sẽ lớn.

Thủ tướng yêu cầu ban chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời tiết thế nào, như khi trước bão thì có thể trời quang, mây tạnh. Đồng thời cũng không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, không hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh.

Tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Vừa phòng tốt, vừa chống đỡ có hiệu quả với phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

Thủ tướng yêu cầu, thời gian không còn nhiều, các bộ ngành, địa phương liên quan từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, đình hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; phân công các đồng chí trong đảng ủy, thường vụ đảng ủy xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở. Việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất thể, trước khi bão đổ bộ; huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ lụt. Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai theo dõi, cập nhật diễn biến kịp thời để báo cáo Ban chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo bản tin dự báo báo của chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy, lúc 6 giờ 27-9, tâm bão cách bờ biển Cửa Đại, Quảng Nam 428km về phía Đông. Mắt bão đã rõ. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16. Vận tốc gió giật tối đa 165km/giờ.

Bão sẽ tiếp tục mạnh lên trong vòng 12 giờ tới đây với vận vận tốc gió đều có thể lên đến 150km/giờ, gió giật 195km/giờ.

Sau khi tăng cường độ bão sẽ duy trì sức mạnh và đi vào gần bờ vào đêm 27-9.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm của bão số 4 ảnh 4 Ảnh dự báo bão của chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy. Ảnh: HUY NGUYỄN

Tối 26-9, Thủ tướng cũng đã ký Quyết định 1136/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 4. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương. Phó Trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan liên quan.

Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 26-9, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó cơn bão số 4. 

Thủ tướng nhắc cơn bão Durian (hay bão số 9 tại Việt Nam) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó). Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của người dân.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp và có các chỉ đạo ứng phó bão số 4; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đang có mặt ở miền Trung để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó bão. 

Nêu rõ không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão. Trong đó, hết sức quan tâm một số nhiệm vụ: khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

Thủ tướng nêu rõ, các bộ ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục