Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư An Giang

Sáng 15-12, tại TP Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Kết nối cơ hội – Hợp tác thành công”.  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo hội nghị. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị xúc tiến đầu tư An Giang. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự hội nghị xúc tiến đầu tư An Giang. Ảnh: VGP

Cùng tham dự có đồng chí Lê Hồng Anh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế…

Thông báo tại hội nghị, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: An Giang nằm ở đầu nguồn của 2 con sông Tiền và sông Hậu. Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, nằm ngã ba của trục kinh tế lớn TPHCM – Cần Thơ – Phnôm Pênh (vương quốc Campuchia). An Giang có hệ thống giao thông thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ. Có cảng Mỹ Thới thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam và quốc tế, có thể đón nhận các loại tàu với tải trọng trên 10.000 tấn. 

Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với sản lượng lúa và thủy sản nước ngọt nằm trong nhóm các tỉnh cao nhất nước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 ước đạt 42.785 tỷ đồng, tăng 1.436 tỷ đồng so năm 2017. Tài nguyên du lịch của An Giang rất đa dạng và phong phú, với nhiều khu du lịch, di tích được công nhận cấp quốc gia. Trong năm 2018, An Giang thu hút khoảng 8,5 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 16,44% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 100.000 lượt, tăng 33,3% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.800 tỷ đồng, tăng gần 30%.

An Giang còn có sự giao thoa văn hóa của 4 dân tộc anh em (Kinh – Chăm – Hoa – Khmer) tạo nét văn hóa đặc sắc riêng, từ trang phục, nghệ thuật kiến trúc, văn hóa ẩm thực… Hiện nay, An Giang có lực lượng lao động khá dồi dào; số lượng trong độ tuổi lao động khoảng 1,23 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm gần 57%... An Giang xác định hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là thế mạnh và sẽ quyết tâm biến thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Ông Vương Bình Thạnh nhấn mạnh, về nông nghiệp tỉnh sẽ phát triển theo chuỗi giá trị; thực hiện cơ chế tạo quỹ đất linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô tập trung; An Giang sẽ triển khai các chính sách riêng và các gói hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp. Đối với du lịch sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối 4 khu du lịch trọng điểm là Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi phát triển du lịch, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Tại hội nghị này, An Giang đã kết nối thành công 26 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư trên 27.600 tỷ đồng. Đồng thời kết nối cơ hội cho 5 đề xuất cam kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 35.500 tỷ đồng và 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 69.500 tỷ đồng. Ngoài ra, An Giang tiếp tục mời gọi đầu tư 60 dự án thuộc một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa...

Góp ý cho sự phát triển của An Giang, TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: “Cách nay khoảng 30 năm, An Giang từng là nơi sản xuất lúa gạo hàng đầu cả nước, An Giang cũng từng dẫn đầu ĐBSCL về sản xuất và xuất khẩu cá tra. Ngoài ra, An Giang cũng là nơi xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đột phá. An Giang còn có nhiều di tích, thắng cảnh để phát triển du lịch hấp dẫn; đồng thời là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL… Dù có những lợi thế trên nhưng sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của An Giang chưa như mong muốn. Tháo gỡ việc này, An Giang cần tập trung cho công nghiệp chế biến. An Giang không thể phát triển nông nghiệp theo chiều rộng mà phải đi vào chiều sâu, trong đó lấy công nghiệp chế biến làm cơ sở để sản xuất nông nghiệp. Chính doanh nghiệp chế biến gắn với thị trường sẽ quyết định quy mô các vùng chuyên canh nông nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “An Giang có đồng bằng, núi, sông, rừng… mà ít nơi nào có được; một vùng đất giàu tiềm năng phát triển trên nhiều lĩnh vực. An Giang có đủ điều kiện để làm giàu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề là cần chọn sản phẩm nông nghiệp nào là lợi thế để bứt phá. Ở đó, cá tra, lúa gạo và chăn nuôi bò được xem là thế mạnh mà An Giang cần đầu tư sâu hơn…”.

Tin cùng chuyên mục