Thủ tướng: Đừng vì bệnh thành tích, áp đặt, mà làm tổn thương con trẻ

Sáng 5-9, hòa chung không khí tưng bừng, hân hoan của các thầy cô giáo và hơn 23 triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới 2022-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại lễ khai giảng, thầy và trò nhà trường được nghe thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đọc thông điệp, khai giảng năm học mới với chủ đề “Đồng hành, bứt phá”.

Phát biểu tại đây, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính thân ái gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục cùng các cháu học sinh cả nước lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm học mới tốt đẹp nhất.

Chia sẻ với học sinh, Thủ tướng muốn các cháu dành một tràng pháo tay thật lớn để cảm ơn bố mẹ, ông bà đã dậy sớm, chuẩn bị quần áo và đưa các cháu đến trường hôm nay; cảm ơn thầy cô đã ân cần dẫn các con vào lớp và sẽ tiếp tục hành trình dạy dỗ, chăm sóc các cháu.

Thủ tướng: Đừng vì bệnh thành tích, áp đặt, mà làm tổn thương con trẻ ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

 Thủ tướng chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ đến tất cả các cháu học sinh, đến thầy cô và phụ huynh để chúng ta cùng nhau thực hiện được lời dạy và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người Anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa kiệt xuất của thế giới: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”…

Thủ tướng cho biết vẫn nhớ về những bài học đầu tiên thầy cô dạy cho mình ở ngôi trường của một vùng quê miền núi nghèo, xa xôi, thiếu thốn đủ điều, nhớ hình ảnh cha mẹ cần mẫn lo cho con học hành và tiến bộ. Những bài học và tình cảm của thầy cô hôm nay sẽ luôn là hành trang đầy ý nghĩa với các cháu học sinh sau này. Đó là bài học về lòng biết ơn và tình yêu quê hương, đất nước. Biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô đã ngày đêm tận tụy chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng mình.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các cháu sẽ hiểu được sự hy sinh của hàng triệu anh hùng liệt sĩ, thương binh, của biết bao nhiêu người đã cống hiến máu xương cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho sự phát triển phồn vinh của đất nước hòa bình, bình yên, để yêu quê hương, đất nước mình hơn, tự hào về Tổ quốc Việt Nam và cố gắng hơn trong cuộc sống.

Các cháu sẽ học được bài học về sự tử tế, trung thực và nhân ái: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Từ đó các cháu sẽ biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh, không vô cảm với xã hội… Các cháu biết quan tâm, chia sẻ với các bạn ở các trung tâm bảo trợ xã hội, các bạn bị bệnh tật, đồng bào gặp thiên tai, các bạn mồ côi và những hoàn cảnh không may trong xã hội… Các cháu sẽ học được những bài học về sự cố gắng, nỗ lực, sống có hoài bão và lý tưởng, nhất là từ những tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc…

Thủ tướng: Đừng vì bệnh thành tích, áp đặt, mà làm tổn thương con trẻ ảnh 2 Thủ tướng Phạm Minh Chính  đánh trống khai giảng năm học tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, sáng 5-9. Ảnh: VIẾT CHUNG

Từ gợi mở đó, Thủ tướng mong các cháu học sinh sẽ nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, ngoan ngoãn, chăm làm, chịu khó học tập, rèn luyện để trở thành “con ngoan, trò giỏi”.

Thủ tướng cũng mong học sinh chăm chỉ đọc sách để phát triển tâm hồn lành mạnh và an toàn. Bên cạnh đó, cần chăm chỉ học ngoại ngữ, tin học, luyện tập thể chất, nhất là các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn như bơi lội, ứng phó động đất, cháy nổ, có ý thức tham gia giao thông, bảo vệ môi trường…

Chia sẻ với các thầy cô, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Dạy dỗ và chăm sóc trẻ em là một công việc đặc biệt, đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì, tấm lòng bao dung, nhân ái, yêu thương với con trẻ. Thủ tướng mong thầy nỗ lực hơn nữa với phương châm “Nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu.

“Đừng vì bệnh thành tích, áp đặt, mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng mong nhà trường, thầy cô, quan tâm và thực hiện được 3 cân bằng cho các cháu, đó là học - chơi - ăn ngủ. Các nhà trường cần đặc biệt quan tâm đảm bảo vệ sinh môi trường trường học, nhất là chất lượng nhà vệ sinh trường học, trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, mát cho các cháu.

Đối với các phụ huynh, Thủ tướng mong các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các cháu. Mỗi cháu sinh ra đã là một sự khác biệt, hàng tỷ người trên trái đất không ai giống ai. Vẫn còn hiện tượng, nhiều phụ huynh gò ép, áp đặt việc học hành, so bì với các bạn… đôi khi sẽ làm tổn thương trẻ em và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của các cháu. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tạo môi trường dạy dỗ, đào tạo lành mạnh, an toàn, trí tuệ cho các cháu. Khơi dậy được ý chí, khát vọng, sáng tạo, nhân ái, tích lũy tri thức để trở thành công dân toàn cầu, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Về phía Bộ GD-ĐT, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cần sớm giải quyết được 3 thiếu, đó là thiếu giáo viên - thiếu lớp học - thiếu sách giáo khoa. Tích cực thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy, nhà trường được bình an.

Tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục, trong đó tập trung đổi mới tư duy thiết kế chương trình học tập; xã hội hóa việc học tập; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, tăng cường chất lượng.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, nâng cao thu nhập cho giáo viên, đảm bảo cân đối, hài hòa trong tổng thể chung của các ngành nghề, các cấp khác và phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Quan tâm đầu tư vật chất, xây dựng các cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn; nhất định không để cháu nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.

Tin cùng chuyên mục