Thủ tướng: Đừng để dân có khúc mắc với chính quyền, với bộ máy ​

Thủ tướng cho rằng, nếu các cấp quận huyện, cấp sở mà không đổi mới, không thay đổi tư duy thì không thể theo kịp quá trình hội nhập, sẽ xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, không hiệu quả. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng

Trưa 29-12, kết luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của việc chuyển biến của cả hệ thống.

Thủ tướng cho rằng, nếu các cấp quận huyện, cấp sở mà không đổi mới, không thay đổi tư duy thì không thể theo kịp quá trình hội nhập, sẽ xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, không hiệu quả. “Càng các cấp liên quan đến cơ sở, đến người dân càng phải chuyển động mạnh, phải đổi mới mạnh”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị để thực hiện hiệu quả, nhất là trong vấn đề phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng…

Không được bảo thủ là "mình đã đúng"

Thủ tướng yêu cầu tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phát triển 2018, trong đó có vấn đề phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Ngay đầu tháng 1, Văn phòng Chính phủ phải trình Nghị quyết 01 về nhiệm vụ phát triển 2018 và 242 loại công việc cụ thể để các cấp, ngành, địa phương bám sát thực hiện ngay trong ngày đầu, tháng đầu của năm 2018, không để tình trạng đầu năm thong thả cuối năm vội vã.

Điểm lại những kết quả của năm 2017, Thủ tướng đề nghị phát huy đà thắng lợi của năm 2017 để phát triển trong năm 2018, cùng với đó nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục những yếu kém, hạn chế còn tồn tại. Thủ tướng cũng ghi nhận có nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ đã hết sức phục vụ nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, nhất là người đứng đầu. Từng đồng chí, vị trí phải thể hiện trách nhiệm cá nhân cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện, rà soát các cơ chế, chính sách để giảm chi phí tối đa cho sản xuất kinh doanh, kể cả giải quyết các khiếu nại của doanh nghiệp, người dân, phải lắng nghe, tháo gỡ, không được bảo thủ là "mình đã đúng". “Dân đến, doanh nghiệp đến thì phải đối thoại, lắng nghe, giải quyết", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương phải bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ để thực hiện, ai có vi phạm phải xử lý, ai không làm thì phải thay thế. Từng ngành, địa phương phải phát huy được thế mạnh của mình, “thấy nơi khác phát triển mà mình vẫn mãi ì ạch thì phải thấy sốt ruột, xem lại mình”. Từng nơi đều phải có tư duy sáng tạo để phát triển. “Nuôi bò, nuôi cá tra cũng phải áp dụng công nghệ mới thì mới phát triển được”, Thủ tướng nói.

"Tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng nặng"

Về nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng giao tăng trưởng phải trên chỉ tiêu Quốc hội thông qua, ít nhất GDP phải đạt trên 6,7%, vì phải tăng trưởng thì mới giải quyết được các vấn đề việc làm, thu ngân sách, nợ công. Với quy mô nền kinh tế hiện ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng, GDP bình quân đầu người 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016, nhưng lãnh đạo Chính phủ cho rằng vẫn là mức thấp, cần phấn đấu đạt cao hơn.

“Đất nước thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD thì có gì là phấn khởi, là người lãnh đạo phải thấy buồn khi thu nhập người dân thấp như vậy”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Cùng với đó là nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chống thất thu ngân sách, tăng thu 3%, giảm nợ đọng thuế; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 30% GDP... vẫn là những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội năm 2018.

“Nhưng tăng trưởng phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng, bảo đảm môi trường, không tăng trưởng bằng mọi giá. Cùng với đó phải xây dựng được những hệ giá trị của quốc gia. Chúng ta phải có những thương hiệu lớn của quốc gia, của từng vùng, từng địa phương”,  Thủ tướng mong muốn.

Song song đó, phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Có biện pháp xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ, không phụ thuộc. Hội nhập sâu rộng nhưng phải tự chủ, theo đó phải phát triển được sức mạnh nội lực của mình.

Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng nền hành chính trong sạch vững mạnh, bộ máy toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Cần giảm khúc mắc, bức xúc trong dân bằng cách bộ máy phải tăng cường nắm rõ dân, nắm cơ sở mà vai trò của mặt trận rất quan trọng. Đừng để dân khúc mắc với chính quyền, với bộ máy, tăng cường đối thoại, tạo sự đồng thuận, vì “tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng nặng”.

Thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy lối sống tiết kiệm trong toàn xã hội, từ chi phí họp hành, lễ hội... để không gây lãng phí, ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Tinh thần là giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư cho phát triển. “Xã hội hóa đang làm rất tốt, từ sân bay đến đường cao tốc, cần phát triển, các bộ ngành, địa phương phải chủ động để xã hội hóa nguồn lực đầu tư”, Thủ  tướng đề nghị.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó có FDI, nhưng phải chọn lọc, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, kiên quyết loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, gây hại đến môi trường. Cùng với đó, tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển thương hiệu quốc gia. Phát triển thị trường nội địa, không để doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị phát triển thế mạnh nông nghiệp, đẩy mạnh kinh tế biển, kiểm soát khai thác biển, không để EU có “thẻ vàng” đối với thủy hải sản Việt Nam. Cần chuyển biến mạnh tích tụ ruộng đất, phấn đấu đạt tăng trưởng 3%, xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng 3-4 tỷ USD so với năm 2017...

Nhấn mạnh lại lần nữa quan điểm cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng cho rằng, cải cách này phải chuyển động tại từng địa phương. Nếu một số tỉnh vẫn nặng nề trong tư duy thì khó phát triển được. Phải đổi mới tư duy, dám từ bỏ quyền lực, bỏ hậu kiểm thì doanh nghiệp mới tin, tạo điều kiện cho phát triển.
“Tái cơ cấu nền kinh tế phải chuyển động ở từng ngành, địa phương. Tăng trưởng nằm ở địa phương, nên địa phương mạnh Chính phủ sẽ mạnh, Trung ương sẽ mạnh. Cứ phát triển chiều rộng, không theo chiều sâu, không bám vào lợi thế so sánh thì không đạt mục tiêu”, Thủ tướng nói.
Đồng thời Thủ tướng nhấn mạnh, từng bộ, ngành ngay từ những ngày đầu năm phải xây dựng chỉ tiêu cụ thể phục vụ chỉ đạo điều hành, thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm tới. “Tinh thần là phải sát dân, sát cơ sở, hành động quyết liệt, thực hiện tốt phương châm 10 chữ mà Chính phủ đã đề ra”, Thủ tướng chốt lại.

Tin cùng chuyên mục