Thủ tướng: Doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại

Trưa 9-5, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của bộ ngành, DN, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong kết luận, chúng ta đã xác lập trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sau đại dịch, vì thế sẽ đưa các chuyên gia vào Việt Nam để hợp tác phát triển trong thời gian tới. Covid-19 cũng là thời cơ lớn nếu biết tận dụng, hợp tác tốt.

Thủ tướng cho rằng cộng đồng DN là lực lượng rất quan trọng, không được trông chờ, ỷ lại, phải tái cơ cấu DN để phát triển bền vững; các cấp ngành, DN áp dụng mạnh mẽ công nghệ để nâng cao năng suất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, sáng 9-5-2020. Ảnh: VIẾT CHUNG

TPHCM coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình

 Ngày 9-5, phát biểu tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM hiện có 421.000 DN đăng ký, trong đó DN lớn chiếm 2,2% với quy mô vốn là 67%; DN vừa chiếm 7,1% với quy mô vốn hơn 16%; DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 90,7%, quy mô vốn chỉ chiếm 16,7%.. Trong 4 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch Covid-19, đã có 12.700 DN giải thể, dừng hoạt động, tăng 2,1 lần so với  cùng kỳ; hệ quả là hơn 300.000 lao động, tạm hoãn, ngưng hợp đồng lao động, mất việc.

TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn như lập tổ công tác hỗ trợ DN từ tháng 3 nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các DN tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ; lắng nghe các kiến nghị của DN để đề ra chính sách phù hợp .

Thủ tướng: Doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại điểm cầu TPHCM, ngày 9-5-2020. Ảnh: CAO THĂNG
Về thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP đã cơ cấu lại nợ là 63.000 tỷ đồng; giảm lãi cho DN kinh doanh, kinh tế hộ 12.300 tỷ đồng với 168.000 khách hàng; cho vay mới 88.800 tỷ đồng để đồng hành cùng DN với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm. Cục thuế đã khoanh nợ cho 2.255 DN với 40.000 tỷ đồng đến 30-7-2020, gia hạn nộp thuế; khoanh nợ cho 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương để không bị phát sinh nợ thuế...

Trong thời gian tới, tổ công tác của TP sẽ triển khai tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ DN trên địa bàn TP; triển khai kế hoạch hỗ trợ DN tới hết 2020 với 5 giải pháp, gồm hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn phá sản, hỗ trợ thu nhập cho người lao động để DN không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của DN; hỗ trợ phục hồi sản xuất dịch vụ nhằm vào nhu cầu nội địa; hỗ trợ khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu; tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ, đẩy mạnh số hóa; tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; kịp thời dự báo với các quốc gia, đối tác để mở cửa kinh tế, thương mại, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TP sẽ xây dựng kịch bản khắc phục kinh tế hậu Covid-19 theo 2 giai đoạn, để vừa khắc phục khó khăn trước mắt, vừa biến nguy thành cơ.

Giai đoạn 1 áp dụng các biện pháp mang tính chất tình thế để giúp DN tồn tại, bám trụ thị trường, không bị đổ vỡ.

Giai đoạn 2 gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu, nhất là tái cơ cấu về thị trường.

Các gói hỗ trợ này TPHCM sẽ làm kỹ, không dàn trải, không cào bằng, không bỏ sót đối tượng. TP sẽ ban hành các gói hỗ trợ trước tháng 6-2020, đẩy manh cải cách thủ tục hành chính để các gói hỗ trợ đến tay DN kịp thời nhất.

Thủ tướng: Doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại ảnh 3 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM, ngày 9-5-2020. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, chuyển sang trạng thái mới, đây là thời cơ vàng để khơi dậy tinh thần đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn hiện nay. Một trong việc quan trọng nhất hiện nay là ban hành thật nhanh các gói hỗ trợ DN, kinh phí hỗ trợ phải đến tay DN càng sớm càng tốt, nếu kéo dài hết tháng 6 sẽ có rất nhiều DN ngừng hoạt động.

“TPHCM coi khó khăn của DN là khó khăn của chính mình”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nêu.

Cùng với tinh thần của hội nghị là vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó quan tâm thực hiện ngay đúng đối tượng các chính sách giảm, giãn, miễn, hoãn thuế, phí. Đẩy nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở mọi cấp mọi ngành, hỗ trợ DN chuyển đổi mô hình kinh doanh, tăng cường phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tìm kiếm thị trường..

Doanh nghiệp phải giữ lao động, phát triển thị trường

Tại hội nghị, cộng đồng DN đã chia sẻ các cơ hội và thách thức, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung quan trọng với Thủ tướng. Các DN đều cho rằng, việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu của một thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động.

Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị dịch Covid-19 làm gián đoạn, các DN càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các doanh DN nghiệp trước đây ít quan tâm do cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu luôn được mở rộng bằng các FTAs, nhưng khi nhu cầu tại thị trường thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng do dịch, thị trường nội địa lại là giải pháp cho nhiều DN. Dịch cũng là cơ hội để DN tái cơ cấu và đẩy mạnh kinh tế số.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, cần đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, “kinh tế ban đêm”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm. Chúng ta cần nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc, vì các nước trên thế giới cũng đang mở ra rất mạnh mẽ, nhất là khu vực châu Á.

Thủ tướng: Doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại ảnh 4 Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các ý kiến của các DN lớn, các hiệp hội nghề nghiệp cũng cho biết, tuy có nhiều khó khăn, nhưng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng DN sẽ chung vai sát cánh để đạt được tăng trưởng cao nhất, tuy nhiên đề nghị các gói hỗ trợ của Chính phủ phải đến được nhanh với DN, trước khi nhiều DN phải dừng hoạt động.

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến bộ ngành, DN, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Chúng ta đã xác lập trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sau đại dịch, vì thế sẽ đưa các chuyên gia vào Việt Nam để hợp tác phát triển trong thời gian tới. Covid-19 cũng là thời cơ lớn nếu biết tận dụng, hợp tác tốt. Cộng động DN là lực lượng rất quan trọng, không được trông chờ, ỷ lại, phải tái cơ cấu DN để phát triển bền vững; các cấp ngành, DN áp dụng mạnh mẽ công nghệ để nâng cao năng suất.

Thủ tướng chỉ ra, tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước để tạo điều kiện cho DN phát triển. Tiếp thu các ý kiến, Chính phủ sẽ có Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển. Các bộ ngành, địa phương đều phải có chương trình thành động.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các thủ tục là rào cản để tạo thuận lợi cho DN phát triển, nhất là các lĩnh vực có nhiều lao động, không được đổ qua đổ lại làm mất thời cơ của DN.

Hiện có nhiều vướng mắc, nên các Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thành phải trực tiếp vào cuộc để tháo gỡ nhanh.

Các cơ quan Nhà nước cần chú ý các vấn đề lớn: Tạo môi trường tốt cho DN, giảm lãi suất, chi phí cho DN, chia sẻ cùng DN; giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, xử lý dân sự nếu có phương án khắc phục hậu quả; hạn chế thanh tra kiểm tra cản trở DN phát triển...

Thủ tướng: Doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại ảnh 5 Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thành phải trực tiếp vào cuộc để tháo gỡ  khó khăn cho DN một cách nhanh nhất. Ảnh: VIẾT CHUNG

Về phía DN, Thủ tướng yêu cầu DN phải giữ lao động, thị trường, phát triển thị trường trong và ngoài nước; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam, đổi mới, phát triển, tái cơ cấu, cải cách DN để phù hợp bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với ý chí, bản lĩnh của người Việt Nam, các DN sẽ đồng lòng vượt khó, nỗ lực để cùng cả hệ thống đạt kết quả cao nhất trong năm 2020.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: 

Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế, kinh nghiệm của các nước cũng như khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khả năng của ngân sách và đã, đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó về gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng; các giải pháp, đề xuất về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí có giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng. 

 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: 

Về gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, đến nay, 63 tỉnh thành phố đã triển khai, hỗ trợ được trên 20.000 tỷ đồng, 45/63 tỉnh thành đã rà soát xong. Bắt đầu từ ngày 9-5 sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động bị dừng hợp đồng với dự kiến khoảng 7.630 tỷ đồng. 47 tỉnh đã tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động và trên 300 tỷ đồng. Với chủ trương và quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh, sản xuất dịch vụ của chúng ta phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình. Về dài hạn, khoảng 70.000 - 80.000 lao động ở các khu vực sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.

Tin cùng chuyên mục