Thủ tướng: Chưa thể chốt học sinh đi học trở lại từ ngày 2-3

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra trong chiều 24-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: thời điểm này chưa thể chốt học sinh sẽ đi học lại vào ngày 2-3. Hiện nay, đó mới là phương án chuẩn bị sẵn sàng. Còn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh đến hết tuần này.

 

Thường trực Chính phủ họp chiều 24-2. Ảnh: VGP
Thường trực Chính phủ họp chiều 24-2. Ảnh: VGP

Chiều 24-2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình chống dịch.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran... Đặc biệt là Hàn Quốc liên tục tăng các ca nhiễm mới và trở thành ổ dịch lớn thứ 2 thế giới.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, đồng bộ, chúng ta đã  ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam có 16 ca mắc thì đã chữa khỏi, xuất viện 15 người. Việt Nam đã thực hiện tốt "chống dịch như chống giặc", nên số người bị lây nhiễm thấp, đặc biệt có những giải pháp hiệu quả cách ly đối tượng dễ lây nhiễm cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài Trung Quốc, dịch có dấu hiệu bùng phát ở một số quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch rất lớn với Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ không được để tình trạng lây lan đến Việt Nam, tiếp tục bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là một yêu cầu, là điều đương nhiên chúng ta phải làm cho được. Đây cũng là trọng điểm chỉ đạo của Chính phủ, của hệ thống chính trị nước ta trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng yêu cầu đề ra những biện pháp quyết liệt, cụ thể trong tình hình mới để công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thế giới, tính đến 12 giờ ngày 24-2, có 79.363 trường hợp mắc tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ (số trường hợp mắc hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97%).

Tại Hàn Quốc, số trường hợp mắc tăng nhanh và hiện cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp mắc, 1 tử vong) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường hợp mắc, 3 tử vong). Thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc, có sân bay quốc tế và có 14 chuyến bay thẳng đến Việt Nam; đồng thời tại hai khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang có nhiều công dân Việt Nam sinh sống (trên 50.000 người).

Tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13-2. Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong. Việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách ly trường hợp bệnh sang cách ly một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch. Không ghi nhận trường hợp mắc mới tại xã Sơn Lôi kể từ ngày 13-2.

Đến hôm nay, 30 trường hợp (công dân Việt Nam) từ Vũ Hán, Trung Quốc về cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đủ 14 ngày, 100% các trường hợp xét nghiệm âm tính, đang hoàn thiện thủ tục cho về nơi học tập, công tác và cư trú.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, cùng với Trung Quốc, nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… có diễn biến dịch bệnh nhanh. Đặc biệt tại Hàn Quốc, một số trường hợp tăng nhanh, tập trung ở Daegu nên Chính phủ nước này nâng mức cảnh báo ở mức cao nhất. Đây là khu vực có sân bay quốc tế nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta rất lớn nếu không có biện pháp tốt.

“Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chuyên gia y tế khuyến cáo không được chủ quan, vẫn còn nguy cơ ghi nhận thêm một số trường hợp mắc tại cộng đồng” - ông Tuyên nói.

Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn các địa phương chuẩn bị công bố hết dịch khi đảm bảo đủ điều kiện như Thanh Hóa, Khánh Hòa. Thứ trưởng Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ quyết định các chính sách về ngoại giao cho phù hợp. Cụ thể, với người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam trên 16.000 người, nên đang có phương án chưa đưa sang cùng một lúc, thực hiện cách ly hiệu quả mới đưa về nơi làm việc.

Về phương án đi học trở lại, hiện Bộ GD-ĐT dự kiến từ ngày 2-3 nhưng chưa quyết định cụ thể. “Hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài”, ông Tuyên nói.

Về việc đeo khẩu trang, theo khuyến cáo của cơ quan y tế, "không cần thiết sử dụng khẩu trang y tế hằng ngày". Hiện năng lực sản xuất khẩu trang ở ta là 3 triệu cái/ngày nên chỉ trong 1-2 ngày là hết, vì vậy khẩu trang mà không thu gom và xử lý thì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Hiện Ban chỉ đạo đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân thực hiện cách ly tập trung với những người đi qua vùng dịch ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương thực hiện cách ly hiệu quả trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện phòng chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”, nêu cao tinh thần phòng chống dịch ngay tại địa phương.

Ban chỉ đạo cũng khuyến cáo công dân Việt Nam không đi tới hai tỉnh có dịch ở Hàn Quốc và không khuyến khích người Việt Nam đi vào vùng có dịch, người từ vùng có dịch vào Việt Nam. Công dân Việt Nam ở Hàn Quốc nghe theo khuyến cáo của chính quyền y tế sở tại và không vội vàng trở về Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng trình bày phương án cho học sinh, sinh viên cả nước sẽ quay trở lại trường học từ ngày 2-3, trừ một vài địa phương. Theo Bộ trưởng, không thể chờ hết dịch mới cho học sinh quay trở lại trường, Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan, hướng dẫn cho các thầy cô, nhà trường vệ sinh, khử khuẩn, tiêu độc, quy trình phòng chống bệnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, tính toán kỹ các phương án, các ý kiến cơ bản thống nhất nhưng một số địa phương đề nghị nghỉ hết tháng 3 như TPHCM và 3 tỉnh chưa công bố hết dịch, những tỉnh thành này có thể học bù.

“Với học sinh lớn tuổi có thể phòng chống dịch bệnh thì thống nhất đi học trở lại từ ngày 2-3. Với bậc tiểu học, trung học cơ sở, mầm non thì tùy tình hình mà địa phương ra quyết định, nhưng đảm bảo đồng bộ đi học trở lại từ ngày 2-3", người đứng đầu ngành giáo dục báo cáo. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu, Thủ tướng nêu rõ: thời điểm này chưa thể chốt học sinh sẽ đi học lại vào ngày 2-3. Hiện nay, đó mới là phương án chuẩn bị sẵn sàng. Còn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh đến hết tuần này.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm báo cáo, TPHCM có tổng số học sinh phổ thông đi học và giáo viên là 1,9 triệu nên kiến nghị Thủ tướng và bộ ngành xem xét có ý kiến chỉ đạo về việc TPHCM muốn cho học sinh nghỉ trong tháng 3.

Tin cùng chuyên mục