Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến về phòng chống dịch với 1.060 xã, phường tại 20 tỉnh, thành phố

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. TPHCM, Bình Dương có số ca mắc mới vẫn ở mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng, đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 29-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố.

Cùng dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tham dự cuộc họp tại đầu cầu TPHCM.  

Dự cuộc họp tại đầu cầu Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tham dự cuộc họp tại các điểm cầu địa phương có Bí thư, Chủ tịch UBND của 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và đặc biệt là lãnh đạo 1.060 xã, phường, thị trấn của 20 tỉnh, thành phố này.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, đây là cuộc họp giao ban tuần của Ban Chỉ đạo quốc gia với các tỉnh, thành phố. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vừa được kiện toàn toàn diện hơn với các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cuộc họp lần này có sự tham dự của các lãnh đạo các quận huyện và đặc biệt là lãnh đạo 1.060 xã, phường, thị trấn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Công điện 1099, 1102 và các chỉ đạo tiếp theo về việc tăng cường thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch. Các chỉ đạo này được đưa ra trên cơ sở sơ kết, tổng kết, rút nghiệm thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua, có kế thừa, bổ sung và đổi mới. Trong đó, điểm rất mới trong các công điện này là phương châm lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm “pháo đài”, mỗi người dân là “chiến sĩ” phòng chống dịch. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phát biểu, làm rõ hơn về phương châm này. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương nắm chắc các chỉ đạo của Trung ương để tổ chức thực hiện tốt.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các xã, phường, thị trấn nêu những điểm cần điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện; phổ biến những bài học kinh nghiệm hay, quý để tổ chức thực hiện có hiệu quả; phản ánh những điểm chưa được trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nêu những đề xuất, kiến nghị với Trung ương, tỉnh, huyện theo thẩm quyền của từng cấp.

Các địa phương gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai không tham dự cuộc họp này vì Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia vừa đi làm việc, kiểm tra tại 3 địa phương này, chia làm 6 tổ xuống tận xã, phường, thị trấn, xí nghiệp, nhà máy. Sau đó, Ban Chỉ đạo đã có cuộc làm việc trực tuyến với 312 xã, phường, thị trấn của TPHCM; 91 xã, phường, thị trấn của Bình Dương và 171 xã, phường, thị trấn của Đồng Nai. Hiện các địa phương này đang tiếp tục tập trung chống dịch, triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, đôn đốc Viettel và VNPT triển khai ngay việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. "Trong vòng 1-2 ngày sắp tới phải làm xong để bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia tới từng cơ sở. Lấy xã, phường làm pháo đài thì phải chỉ đạo thông suốt tới tận pháo đài”, Thủ tướng nêu rõ.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. TPHCM, Bình Dương có số ca mắc mới vẫn ở mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng, đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%). Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát, số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần. Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây.

Tại Hà Nội và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nên vẫn có thể ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

Đáng chú ý, báo cáo cho thấy, tại TPHCM, xu hướng tử vong tăng nhanh trong tuần từ giữa tháng 7 và cao nhất vào tuần thứ 2 và thứ 3 tháng 8. Xu hướng này giống nhau giữa các tầng điều trị và hiện đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp như: triển khai gói điều trị F0 tại nhà, trạm y tế lưu động (411 trạm y tế); hỗ trợ, hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn từ trung tâm hồi sức tầng 3 xuống các bệnh viện quận/huyện và bệnh viện dã chiến; vận hành các trung tâm hồi sức (tầng 3). Các giải pháp đã có hiệu quả, giúp giảm số ca tử vong; mặc dù số ca phát hiện vẫn khá lớn, cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng.

Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27-4, đến nay cả nước đã ghi nhận 419.617 ca, 208.176 người đã khỏi bệnh (50%), 10.370 ca tử vong; có 8/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng). Tính đến ngày 28-8, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều vaccine ngừa Covid-19. Đến nay, Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành y tế hỗ trợ cho TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam với trên 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế; điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam, riêng TPHCM đã có 6 trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong.

Tin cùng chuyên mục