Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19

Để việc thông tin các ca bệnh theo đúng nguyên tắc công khai minh mạch, thống nhất từ ngày 26-3, thực hiện việc công bố các ca bệnh với tần suất 2 lần/ngày vào 6 giờ và 18 giờ hàng ngày. 
Thường trực Chính phủ họp về phòng chống dịch
Thường trực Chính phủ họp về phòng chống dịch

Sáng 26-3, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, để nghe Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 báo cáo về tình hình dịch và đề xuất một số biện pháp phòng chống dịch triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các kết luận tại cuộc họp trước đã được triển khai nghiêm túc; biểu dương các địa phương: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng như nhiều đô thị tập trung khác đã tiến hành đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, dừng các hoạt động đông người hết sức quyết liệt, kịp thời. Tại Hà Nội, vào ngày mùng 1 âm lịch vừa qua, (24-3), có sự tập trung làm lễ đông người, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo và Hà Nội đã tiến hành một số biện pháp.

Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã có nhiều biện pháp, thông tin đến cộng đồng để bà con yên tâm hơn. Trong đó, đã cố gắng tìm, hỗ trợ đưa các lưu học sinh về nước (đến nay là 766 người). Thủ tướng biểu dương Bộ Công an đã gõ cửa từng nhà để báo cáo Chính phủ kịp thời hạn. Theo đó, đã kiểm tra được 36.911 người nước ngoài và 44.636 người Việt Nam đã nhập cảnh (từ ngày 7-3 đến 24-3). Hầu hết những người này đã được yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế cũng như tổ chức cách ly tập trung. Thủ tướng cũng cho biết, Bộ Tư pháp đã soạn thảo một số chủ trương, biện pháp trong thời kỳ “tiền khẩn cấp” và đề nghị thảo luận về các biện pháp này.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, đã trao đổi với các ngành, đặc biệt là khối sản xuất, tài chính, ngân hàng, công thương, kế hoạch và đầu tư… để tới đây, sẽ có hội nghị của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, các bộ trưởng, các ngành liên quan để giải quyết 4 việc: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trên tinh thần Chỉ thị 11 cùng một số biện pháp mới khác; tập trung giải ngân vốn đầu tư công với số vốn trên 650.000 tỷ đồng; quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội, một số biện pháp bảo đảm cuộc sống cho người lao động; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết, tính đến 7 giờ sáng 26-3, thế giới có 434.900 người mắc, 19.607 người tử vong. Tại Việt Nam, có 148 ca mắc, 17 ca đã bình phục. 26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1; 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2.
Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 ảnh 1 Các bác sĩ tiếp cận bệnh nhân nghi ngờ trong buổi diễn tập phòng chống Covid-19 ở Cần Thơ
Tại Việt Nam, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 46.933 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ngày 25-3, Bộ Công an đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 7-3 đến ngày 24-3. Theo đó, có 36.911 người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Iran) và 44.636 người Việt Nam đã nhập cảnh. Hầu hết những người này đã được yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế và tổ chức cách ly tập trung. Ngay khi có kết quả rà soát, Bộ Công an đã yêu cầu đồng chí Thủ trưởng công an các cấp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp để chỉ đạo xử lý và hướng dẫn tổ chức cách ly tại nhà, nơi cư trú và tổ chức cách ly tập trung.

Báo cáo Ban chỉ đạo cũng cho biết, để việc thông tin các ca bệnh theo đúng nguyên tắc công khai minh mạch, thống nhất từ ngày 26-3, thực hiện việc công bố các ca bệnh với tần suất 2 lần/ngày vào 6 giờ và 18 giờ hàng ngày. 
Vấn đề cách ly, Ban chỉ đạo lưu ý nguy cơ lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và xây dựng phương án xử lý nếu có trường hợp nhiễm. Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với chính quyền địa phương giám sát việc cách ly các trường hợp có hộ chiếu ngoại giao, công vụ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.  Vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế rà soát số lượng test kit, sinh phẩm có thể thực hiện xét nghiệm được ngay, phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai xét nghiệm sàng lọc tại các khu cách ly; lập kế hoạch triển khai xét nghiệm cho đối tượng cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, người nhập cảnh từ ngày 7-3, khu vực có nguy cơ cao như biên giới phía Tây Nam và sân bay. Tiểu ban hậu cần khẩn trương mua các loại test nhanh để triển khai xét nghiệm rộng rãi.

Tuyên truyền khuyến cáo người dân: hạn chế ra khỏi nhà; nếu thực sự cần thiết phải ra khỏi nhà thì phải giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay đúng cách; lau dọn nhà cửa; thực hiện khai báo y tế toàn dân. Không tuyên truyền khuyến khích lắp đặt áp lực âm và không tuyên truyền về các thuốc điều trị chưa được kiểm chứng.

Về vấn đề điều trị, Bộ Y tế tập trung hoàn thiện phác đồ điều trị, tiếp tục nghiên cứu về các loại thuốc mà trên thế giới đang sử dụng; tập huấn, phổ biến tới các cơ sở y tế ở các tuyến. Các địa phương chủ động chuẩn bị cơ sở y tế sẵn sàng điều trị, không thể dồn hết lên tuyến Trung ương, đồng thời tập dượt cho các cơ sở y tế tuyến dưới trong điều trị bệnh. Về vấn đề hậu cần, Ban chỉ đạo đề nghị Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Tiểu ban hậu cần khẩn trương hoàn thành mua vật tư, khẩu trang, thiết bị bảo hộ, trang thiết bị y tế đảm bảo công tác phòng chống dịch trong tình huống 3.000 người mắc đã được phê duyệt; Lập kế hoạch mua sắm trong tình huống 10.000 người mắc. Ban Chỉ đạo thông báo cho các đơn vị sản xuất khẩu trang về việc Thủ tướng đã chỉ đạo chỉ bán khẩu trang cho các đơn vị Bộ Y tế với nguyên tắc: Ban Chỉ đạo mua toàn bộ lượng khẩu trang sản xuất, sau đó tiến hành hiệp thương về giá với doanh nghiệp. Bộ Công thương đẩy mạnh sản xuất khẩu trang vải đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Ban chỉ đạo cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo tới toàn bộ người dân không tập trung đông người. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trên cơ sở báo cáo kết quả của Bộ Công an, khẩn trương yêu cầu tất cả các trường hợp được xác minh thực hiện cách ly tại nhà, cập nhật tình trạng sức khỏe qua ứng dụng khai báo y tế điện tử hoặc cơ sở y tế gần nhất, tổ chức xét nghiệm sàng lọc và xác định các trường hợp tiếp xúc gần với những người này để cách ly kịp thời khi có xét nghiệm dương tính.

Ngày 22-3, Thụy Sĩ đã huy động hàng ngàn quân dự bị. Đây là lần đầu tiên Thụy Sĩ phải sử dụng biện pháp này kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Thụy Sĩ đã đóng cửa các trường học, cấm tụ tập từ 5 người trở lên, và những ai không đứng cách đủ 2 mét so với người khác có thể sẽ bị phạt. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23-3. Lệnh phong tỏa bắt buộc mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc, đến cơ quan làm những việc không thể làm được tại nhà. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày trong bối cảnh tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19, những ngày qua đã biến quốc gia này thành ổ dịch lớn nhất tại châu Phi.

Tin cùng chuyên mục