Thủ tục hành chính trực tuyến: Thuận tiện, dễ thực hiện

Xây dựng mô hình “ATM hồ sơ”, đặt máy tính tại các khu dân cư, là cách làm sáng tạo giúp người dân dễ dàng nộp hồ sơ, đề nghị giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng. Cách làm này cũng hướng đến khuyến khích người dân thay đổi thói quen thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến.
Người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại “ATM hồ sơ” ở quận 6, TPHCM Ảnh: NGÔ BÌNH
Người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại “ATM hồ sơ” ở quận 6, TPHCM Ảnh: NGÔ BÌNH

Nộp hồ sơ, nhận kết quả 24/24 giờ

Ông Nguyễn Tấn Hùng đến UBND quận 6 (TPHCM) nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Hồ sơ của ông thuộc danh mục 5 loại hồ sơ có thể tiếp nhận và trả kết quả tại hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ giấy tự động (còn gọi là ATM hồ sơ) nên cán bộ thụ lý hướng dẫn ông đến máy “ATM hồ sơ” đặt trước cổng trụ sở UBND quận nộp. Do chưa biết cách thao tác, ông Hùng được cán bộ hướng dẫn từ chọn danh mục, nộp phí đến lấy biên nhận...

Chưa đầy 5 phút từ lúc điền thông tin cá nhân vào bìa hồ sơ, thao tác chọn thủ tục và nộp lệ phí, ông Hùng đã nhận được giấy hẹn 3 ngày sau quay lại nhận kết quả. “Lần đầu tiên nộp giấy tờ tại ATM hồ sơ, tôi hơi bỡ ngỡ nhưng sau khi được hướng dẫn tôi thấy cũng khá đơn giản. Chỉ cần mình chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, lệ phí và làm theo hướng dẫn là được”, ông Hùng nhận xét.

Còn ông Phan Văn Thanh Bình (ngụ quận Tân Phú) mất chưa đầy 3 phút thao tác trên máy tại “ATM hồ sơ” ở UBND quận 6 để nộp hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Sau 3 ngày, ông cũng nhận được kết quả giải quyết hồ sơ. Nhiều lần nộp hồ sơ tại đây, ông Bình cho biết, thời gian đầu “ATM hồ sơ” cũng xảy ra một số trục trặc, báo lỗi khi nhập thông tin, phải gọi điện thoại cho cán bộ phụ trách để xử lý. Một thời gian sau các lỗi được khắc phục, việc nộp hồ sơ, nhận kết quả trở nên dễ dàng hơn.

Không có “ATM hồ sơ” như quận 6, nhưng UBND quận Phú Nhuận vừa triển khai mô hình thực hiện cải cách hành chính với 60 điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 13 phường. Các điểm này được hệ thống máy tính kết nối internet, wifi miễn phí và có lực lượng túc trực hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính vào các buổi tối thứ 3-4-5 (17 giờ 30 đến 20 giờ 30) và sáng thứ 7 (từ 8 giờ đến 11 giờ) hàng tuần.

Gần 20 giờ ngày 12-7, ông Nguyễn Đức Phúc (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) cầm giấy tờ đến điểm hướng dẫn làm thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công của UBND phường 9 tại lô A, chung cư 43, đường Hồ Văn Huê nhờ cán bộ phường hỗ trợ nộp trực tuyến. Chỉ mất vài phút, ông Phúc đã thực hiện xong các bước nộp hồ sơ và được phản hồi về thời gian trả kết quả. Ông Phúc cho biết, TTHC trước đây tốn rất nhiều thời gian và người dân không biết rõ kết quả hay giấy tờ gì còn thiếu. Nhưng với mô hình này đã khắc phục những hạn chế đó.

Người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại “ATM hồ sơ” ở quận 6, TPHCM. Ảnh: NGÔ BÌNH

Trong khi đó, bà Trần Thị Cúc (ở chung cư 43, đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận) chưa có nhu cầu làm TTHC nhưng cũng đến điểm hỗ trợ của phường để tìm hiểu về Cổng dịch vụ công quốc gia và cách nộp hồ sơ trực tuyến. Theo bà Cúc, đưa máy tính về địa phương hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến là mô hình hay và ý nghĩa. “Việc nộp hồ sơ trực tuyến giúp tiết kiệm được thời gian, công sức cho người dân. Hy vọng hạ tầng mạng ổn định, liên thông giữa các cấp chính quyền để khi người dân nộp hồ sơ trực tuyến sẽ thuận tiện hơn”, bà Cúc bày tỏ.

Đổi thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Đỗ Đăng Ái, mô hình đưa máy tính về khu dân cư là giải pháp cụ thể nhằm tuyên truyền, đổi mới tư duy về chuyển đổi số. Việc này nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Giai đoạn đầu, quận triển khai với 49 TTHC dịch vụ công trực tuyến (21 TTHC do UBND quận và 28 TTHC do công an quận, phường thực hiện). Sau đó, quận sẽ từng bước mở rộng các thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo quy định chung.

Theo UBND quận Phú Nhuận, trong tuần đầu tiên triển khai, 60 điểm đặt máy tính đã tiếp nhận hơn 4.840 người dân đến liên hệ để tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các TTHC. Các điểm đã tiếp nhận 2.870 hồ sơ của người dân, đồng thời hướng dẫn 4.500 người dân mở tài khoản dịch vụ công.

Ông Đỗ Đăng Ái kỳ vọng với chương trình này, đến cuối năm 2022, mỗi gia đình trên địa bàn quận Phú Nhuận có ít nhất một người thành thạo dịch vụ công trực tuyến. Còn về lâu dài là giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận 6 cho biết, từ ngày 8-3-2021 đến nay, “ATM hồ sơ” của quận đã tiếp nhận và trả 1.476/2.915 hồ sơ (đạt tỷ lệ 50,6%) thuộc các TTHC áp dụng tiếp nhận và trả hồ sơ trực tiếp tại hệ thống. Thời gian tới, quận 6 sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống và nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 của “ATM hồ sơ” theo hướng tăng 20% tỷ lệ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận. Đồng thời, bổ sung thêm một số chức năng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để đáp ứng nhu cầu của người dân, tổ chức.

Số lượng TTHC thực hiện tại “ATM hồ sơ” còn ít, chỉ nhận và trả kết quả 5/117 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận; trả kết quả 8/28 TTHC đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Có nơi, hệ thống cũng chưa có chức năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Người dân đề xuất cần xem xét mở rộng thêm nhiều TTHC thực hiện tại “ATM hồ sơ”, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức khi làm TTHC trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục