Thủ tục bám theo hành động, thực hiện nhanh, ít tốn kém

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhận định các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cần được tiến hành khẩn trương hơn, quyết liệt hơn và có quy mô lớn hơn.
TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung

- Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến dự báo tác động của dịch Covid-19 trong quý 2 đối với nền kinh tế nước ta sẽ còn nghiêm trọng hơn quý 1. Còn nếu tính cả năm 2020, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 3-4, kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 4,8%. Ông có bình luận gì? 

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Chắc chắn trong quý 2, tác động từ dịch bệnh đối với nền kinh tế nước ta sẽ còn nghiêm trọng hơn quý 1, nhất là những tác động về xã hội. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hộ kinh doanh có thể giải thể, tạm thời đóng cửa; phần lớn số còn lại có thể phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh; hàng triệu người có thể mất việc làm hoặc không có đủ việc làm; thu nhập giảm xuống đáng kể; đời sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn; một số có thể rơi vào tình trạng tái nghèo. Hàng loạt chỉ tiêu, từ tăng trưởng kinh tế, thu chi ngân sách cho đến lạm phát, lao động và công ăn việc làm, nợ xấu, cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối... sẽ thay đổi so với kế hoạch dự kiến từ đầu năm. Trong bối cảnh đó, việc điều hành ổn định kinh tế vĩ mô năm 2020 buộc phải chuyển sang một trạng thái khác; không chỉ khác với kế hoạch, mà khác cả với 4 năm trước của nhiệm kỳ này.

- Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cuối tuần qua, Chính phủ đã quyết định sẽ ban hành nghị quyết để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Từ góc độ một nhà quan sát kinh tế, ông có những khuyến nghị gì để nghị quyết có thể đi vào thực tế một cách hiệu quả nhất?

Tôi cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra là hết sức cần thiết và kịp thời. Để nghị quyết nhanh chóng phát huy hiệu quả, trước hết phải nhìn lại việc thực hiện các chính sách đã được áp dụng về vấn đề này, đặc biệt là Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (xác định 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh). 

Thẳng thắn mà nói, mức độ khẩn trương, quyết liệt trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giữa các bộ, ngành là không đồng đều. Bên cạnh những việc đã làm, nhiều giải pháp vẫn đang trong quá trình chuẩn bị ở các mức độ khác nhau, thậm chí một số gần như chưa được triển khai. Chẳng hạn, doanh nghiệp mới chỉ được hỗ trợ ở mức nhất định về tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ giảm khó khăn về thanh khoản, giảm lãi suất vay vốn. Chúng ta chưa có được hỗ trợ giảm chi phí, chia sẻ chi phí gia tăng do dịch bệnh đối với doanh nghiệp, chưa có hỗ trợ chia sẻ gánh nặng về chi phí tiền lương, tiền công cho người lao động, và đặc biệt là chưa có các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, tăng thêm sức cầu của nền kinh tế. Đây là những hỗ trợ hết sức cần thiết để họ cân đối lại nguồn lực, duy trì sức chống chịu trước tác động của dịch bệnh. 

- Theo ông, cần có những giải pháp cụ thể hơn như thế nào để tháo gỡ khó khăn? 

Hướng đến mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, có thể miễn, giảm ngay các loại phí giao thông cho đến hết năm 2020; miễn phí bến bãi đậu xe, máy bay và các phương tiện vận tải khác đối với tất cả doanh nghiệp vận tải; giảm 70% phí kiểm định phương tiện giao thông cơ giới... Tôi biết có địa phương, như Hải Phòng, đã rất chủ động trong việc miễn phí hạ tầng cảng biển cho đến hết năm 2020, giảm tối thiểu 50% trong các năm tiếp theo. Phí công đoàn năm 2020 cũng nên miễn, giảm cho các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực nhiều nhất bởi Covid-19… Căn cơ hơn, cần khẩn trương xây dựng để trình Quốc hội phê chuẩn gói miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp tại kỳ họp gần nhất tiếp theo.

Quan sát các doanh nghiệp, tôi thấy họ còn gặp khó trong việc đảm bảo đời sống cho người lao động và giữ chân người lao động để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Cần có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Có thể kể đến như miễn phí bảo hiểm xã hội cho lao động tạm thời nghỉ việc không lương; hỗ trợ 50% lương cho đến hết tháng 6 đối với số lao động nghỉ việc tạm thời không lương do tác động của dịch Covid-19; cân nhắc cho phép người lao động và sử dụng lao động thỏa thuận mức lương tối thiểu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do luật định cho đến hết năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ nên thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ một lần bằng tiền mặt hoặc phiếu mua hàng thiết yếu với các đối tượng bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh và trợ cấp một lần cho các đối tượng khác. 

Trong quản lý, điều hành, cần nhanh chóng thiết lập điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh mới, cách thức quản lý mới, cách thức làm việc mới dựa trên nền tảng số hóa. Ví dụ, ban hành ngay quy định (ít nhất là thí điểm) để áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt giữa những người không có tài khoản ngân hàng; hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử; xây dựng sàn giao dịch điện tử về nông, lâm thủy sản Việt Nam. Nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về dạy và học trực tuyến, đảm bảo chất lượng dịch vụ giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ giáo dục để gỡ khó cho nhiều tổ chức giáo dục ngoài công lập... 

- Lâu nay chúng ta thường vấp phải một thực tế là chính sách tốt, nhưng tổ chức thực hiện lại vướng mắc, theo ông cần xử lý vấn đề này ra sao? 

Đúng vậy, về việc này, tôi chỉ có thể nói vắn tắt là việc tổ chức thực hiện phải nhanh và ít tốn kém. Vì đây là những giải pháp ứng phó trong tình huống đặc biệt, nên cần lấy mục đích và kết quả công việc làm tiêu chí cao nhất đánh giá đối với từng cá nhân, tổ chức, nhất là người lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ. Có như vậy họ mới dám quyết đoán trong hành động. Trường hợp cần thiết thì “thủ tục bám theo hành động”, nghĩa là hành động trước, thủ tục sau; thay vì “hành động bám theo sau thủ tục hành chính”.

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục