Thu tăng nhưng vẫn còn nhiều lo ngại

Hôm nay, 29-10, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018. TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những vấn đề này.  
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, hôm nay, 29-10, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021… TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những vấn đề này. 

 PHÓNG VIÊN: Thưa ông, các chỉ tiêu kinh tế năm 2018 gần như đã về đích với tất cả các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt. Tuy nhiên, xét về kết quả thực hiện dự toán NSNN, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã chỉ ra một số yếu tố chưa bền vững, như kết quả thu NSNN năm 2018 dù vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt thấp hơn mục tiêu; thu nội địa ước vượt 0,9% so với dự toán nhưng thực chất, số thu từ các khu vực doanh nghiệp lại không đạt… Ông có bình luận gì về điều này?

 TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Tổng quan có thể thấy, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực và chủ động để phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN năm 2018 đã được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, đúng là có một số vấn đề cần lưu ý. Chẳng hạn như số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô. Trong khi thu từ đất thường không ổn định, thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế (thu 73,5 USD nhưng dự toán 50 USD/thùng) và sản lượng ước tăng 450.000 tấn.

Trong khi đó, nguồn thu từ 3 khu vực không đạt dự toán: thu từ khu vực DNNN giảm 2,9% (tương đương 4.908 tỷ đồng); thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng); thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, qua số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu NSNN trên địa bàn của các địa phương gửi Kiểm toán Nhà nước cho thấy có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu NSNN trên địa bàn. Đáng lưu ý là thu ngân sách trung ương đạt 100,8% so với dự toán, chiếm tỷ trọng 44,7% tổng thu NSNN, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2018 (từ 60% - 65%). Hụt thu từ ngân sách trung ương có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, vì nếu ngân sách trung ương không đủ nguồn thì các công trình quan trọng quốc gia sẽ không làm được. Điều này cho thấy phân cấp, điều tiết ngân sách đang có vấn đề. 

Về chi ngân sách, tôi đồng tình với đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khi ông ấy nói cần phân biệt rất rõ nhiệm vụ giảm chi thường xuyên với tinh giản biên chế, tránh làm méo mó bức tranh về tổ chức bộ máy. Với đơn vị sự nghiệp phải tăng lộ trình tự chủ, giảm chi thường xuyên chứ không phải cắt giảm biên chế một cách cơ học. 

 Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào? Liệu có cần điều chỉnh Luật NSNN?

 Đề cập đến điều chỉnh Luật NSNN lúc này là hơi sớm, vì cần có sự tổng kết, đánh giá đầy đủ, thận trọng. Việc cần làm trước tiên là tổ chức bộ máy phải thay đổi theo hướng tách bạch rạch ròi nhiệm vụ chi của Trung ương và địa phương. Y tế, giáo dục và một số nhiệm vụ chi có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, chất lượng sống của người dân thì phải giao cho địa phương thực hiện. 

Trần nợ công luôn là vấn đề được quan tâm sâu sắc. Ông đánh giá như thế nào về tình hình nợ công hiện nay? 

 Trong 3 năm qua chúng ta đã cơ cấu lại nợ, giảm khoản trả nợ trong ngắn hạn, vay mới với lãi suất thấp hơn giai đoạn trước để trả nợ cũ… Nhìn chung vẫn chưa “đụng” trần và vẫn đảm bảo khả năng thanh toán. Nhưng quy mô nợ lớn, nên hàng năm, từ nay đến 2021, mỗi năm sẽ mất khoảng 350.000 - 400.000 tỷ đồng để trả nợ lãi và gốc, tương đương khoảng 30% thu ngân sách. Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất ở đây là hiệu quả của các khoản vay. Vay để làm gì, có khả năng thu hồi vốn và có lãi, có tiền để trả cả gốc lẫn lãi thì nên vay. Và phải tách bạch rất rõ để đánh giá đúng phần nợ của quốc gia, nợ của Chính phủ, nợ trong nước, ngoài nước… và có giải pháp phù hợp để đảm bảo mức tín nhiệm quốc gia.

Thay đổi tổ chức bộ máy nhưng như vậy lại “đụng” đến Luật Tổ chức Chính phủ, Luật về HĐND và UBND các cấp, thưa ông?

 Một số ngành đã làm rồi. Thí dụ hải quan, họ đã thành lập cục hải quan liên tỉnh, như: Cục Hải quan Hải Phòng phụ trách cả Hải Dương, Hưng Yên. Vĩnh Phúc có kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu lớn thế, nhưng cũng không có Cục Hải quan mà Cục Hải quan Hà Nội làm luôn. Ngành thuế cũng tương tự, hiện đã có các cơ quan thuế liên huyện, tiến tới liên tỉnh. Đấy là một hướng rất đáng xem xét. 

 Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận của Quốc hội là Luật Đầu tư công. Có ý kiến cho rằng việc thực hiện luật vừa qua đã khắc phục được đáng kể tình trạng đầu tư dàn trải, dẫn đến thu không đủ chi; nhưng cũng có ý kiến cho rằng luật đang gây nhiều khó khăn cho các đơn vị thực hiện dự án? Quan điểm của ông về vấn đề này? 

 Thành quả đầu tư công trung hạn 3 năm vừa rồi là không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh nhiệm kỳ trước để lại cho chúng ta nhiều dự án dở dang. Theo báo cáo của Chính phủ, 3 năm vừa qua đã có hơn 6.000 công trình được đưa vào khai thác, sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội không nhỏ. Việc thực hiện Luật Đầu tư công đã làm giảm cơ chế xin - cho, minh bạch hóa các khoản đầu tư, nhưng cũng chính vì thế mà giai đoạn chuẩn bị đầu tư phải làm rất kỹ, rất cụ thể; đánh giá được tác động của dự án, chỉ rõ được nguồn vốn… Nhưng bù lại, khi dự án được quyết định thì sẽ triển khai được rất nhanh, không có chuyện “nửa đường đứt gánh”. Ở đây phải nói rất thật là một số địa phương vẫn có “chiến thuật” xin vốn theo kiểu chi rất nhanh phần vốn đã được phân, giao cho những dự án không quá bức thiết, những dự án thật sự cần thì họ để lại, hoặc phân một tỷ lệ nhỏ, rồi sau đó lên Trung ương… xin thêm! Bội chi sinh ra từ đó.

 Có cách nào đối phó với “chiến thuật” mang tính cục bộ kiểu này?

 Đơn giản là thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công 2014 thôi. Tức là phải bố trí được vốn thì mới được khởi công và trong dự án phải có kế hoạch vốn chi tiết. Nếu không thì không triển khai, chứ không được quay ra sử dụng nguồn vốn khác, làm thay đổi hẳn bài toán hiệu quả kinh tế ban đầu của dự án.

Tin cùng chuyên mục